Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Ghi chép dưới hầm (I-3)


III
Với những người có gan trả thù và nói chung biết cách tự bảo vệ chẳng hạn, thì họ hành động như thế nào? Giả dụ một khi í định trả thù xâm chiếm họ, thì trong toàn bộ con người họ sẽ chẳng còn gì khác hơn ngoài cái í định đó. Quý ngài ấy sẽ xông thẳng vào mục tiêu phía trước như một con bò điên chĩa cặp sừng, và họa chăng chỉ có bức tường mới ngăn i lại được. (Nhân tiện: khi đối diện với bức tường thì những vị này - nghĩa là những con người chất phác và những con người hành động - sẽ thành thực chịu thua ngay. Với họ bức tường không phải là cái cớ để thoát, như với chúng ta chẳng hạn - những người ưa nghĩ ngợi cho nên chẳng chịu hành động gì; với họ bức tường không phải là cái cớ để tháo lui, cái cớ mà đám anh em chúng ta thường không mấy tin tưởng, nhưng lúc nào cũng vui vẻ tận dụng. Không, họ chịu thua rất mực chân thành. Đối với họ bức tường có gì đó xoa dịu, mang tính giải pháp đạo đức và tối hậu, thậm chí có khi thần bí nữa... Sẽ có dịp nói thêm về bức tường). Hừm, tôi coi chính con người chất phác như thế mới là con người bình thường, con người thực sự, mà bà mẹ tạo hóa dịu dàng của chúng ta muốn thế khi hạ sinh hắn ta trên thế gian này. Tôi ghen tức đến tận xương tủy với con người này. Hắn ngu đần, về điểm này tôi không tranh cãi với quý vị, nhưng ngộ nhỡ một người bình thường ắt phải ngu đần thì sao? Có thể như vậy lại đẹp cũng nên. Có thể nói tôi lại càng kiên quyết hơn trong sự nghi ngờ độc địa là chẳng hạn nếu xét cái phản đề của con người bình thường, nghĩa là con người có í thức cao độ, con người tất nhiên không sinh ra từ trong lòng bà mẹ thiên nhiên, mà từ một sự bóp méo nào đó (điều này nghe có vẻ thần bí, thưa quý vị, nhưng tôi cũng nghi ngờ cả điều này); cái con người méo mó ấy đôi khi phải chịu thua phản đề của nó, đến mức chính hắn, với một í thức cao độ, tự nguyện coi mình là một con chuột chứ chẳng phải con người. Một con chuột, dù có í thức cao độ chăng nữa, xét cho cùng vẫn là một con chuột, còn ở đây là một con người, do đó... v.v... Nhưng điều đáng nói hơn hết là chính hắn, vâng chính hắn, lại tự coi mình là một con chuột, trong khi chẳng ai bắt hắn phải thế cả; đó mới là điểm mấu chốt nhất. Bây giờ ta thử ngắm anh chàng chuột này trong lúc hành động xem sao. Giả tỉ chàng ta bị xúc phạm chẳng hạn (mà hầu như lúc nào cũng bị xúc phạm) và muốn trả thù. Nỗi hận chất chứa trong lòng chàng có khi còn lớn hơn cả trong l'homme de la nature et de la vérité (con người của tự nhiên và chân lí - tiếng Pháp trong nguyên tác). Í định hèn hạ, ghê tởm muốn lấy oán trả oán trong chàng có khi còn nung nấu gớm ghiếc hơn cả trong l'homme de la nature et de la vérité, bởi lẽ l'homme de la nature et de la vérité do ngu đần bẩm sinh, coi việc trả thù đơn giản chỉ là một hành động vô cùng chính đáng; trong khi chàng chuột kia, do cái í thức cao độ, lại phủ nhận sự công bằng đó. Nghĩa là cuối cùng ta đi tới bản chất của vấn đề, bản chất của hành động báo thù. Ngoài sự nhơ nhuốc ban đầu, chàng chuột bất hạnh đã kịp rào chắn quanh mình bao nhiêu thứ nhơ nhuốc khác dưới hình thức nghi vấn và ngờ vực; rồi từ một mối nghi vấn nảy sinh hàng loạt mối nghi vấn khác chưa thể giải đáp, đến mức vô hình trung xung quanh chàng đã chất đầy một đống lổn nhổn định mệnh nào đó, một đống bùn hôi hám hình thành từ những ngờ vực, dao động, và sau hết từ những bãi đờm do những con người chất phác, những con người hành động đã nhổ lên người chàng, trịnh trọng đứng quanh chàng như những quan tòa và những bạo chúa, cười đến khản cả giọng để nhạo báng chàng. Cố nhiên đến lúc ấy thì chàng chỉ còn biết phẩy tay và cười khẩy giả vờ khinh bỉ, sự khinh bỉ mà chính chàng cũng chửa chắc đã tin, rồi xấu hổ cúp đuôi chuồn vào hang. Ở đó, trong cái hầm hôi hám tồi tàn ấy, chàng chuột bị hạ nhục, bị đè bẹp, bị chế nhạo kia mới từ từ chìm đắm vào nỗi căm hận lạnh lùng, độc địa và nhất là chẳng thể nào nguôi. Suốt bốn mươi năm ròng, chàng sẽ còn ghi nhớ sự xúc phạm đó đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhục nhã nhất, và cứ mỗi lần như thế lại thêm thắt vào những chi tiết nhục nhã hơn, rồi tự sỉ vả, đay nghiến bản thân một cách cay độc bằng những ảo tưởng của chính mình. Rồi sẽ thấy xấu hổ vì những ảo tưởng ấy, song rốt cục vẫn cứ nhớ lại, vẫn cứ gợi ra, vẫn cứ bịa thêm những chi tiết hoang đường, lấy cớ rằng chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra, và quyết không tha thứ gì hết. Rất có thể chàng sẽ tìm cách trả thù, nhưng sẽ theo cái lối năm thì mười họa, lẻ tẻ, vụng trộm, ẩn danh, trong khi chẳng chút tin tưởng gì vào cái quyền được trả thù lẫn sự thành công của việc trả thù, và biết trước rằng chàng sẽ còn đau khổ gấp trăm lần kẻ bị trả thù vì toàn bộ những toan tính trả thù ấy chưa chắc đã gãi ngứa được kẻ đó. Rồi trong phút lâm chung, chàng sẽ nhớ lại tất cả, với những tỉ lệ tích lũy theo thời gian ngày một chất chồng và... Nhưng chính trong tâm trạng nửa tuyệt vọng, nửa hi vọng giá lạnh ghê tởm ấy, trong trạng thái tự chôn sống mình một cách í thức vì nỗi đắng cay, trong căn hầm suốt bốn mươi năm trời, trong tình trạng không lối thoát, được í thức cao độ xen lẫn chút hoài nghi, trong nọc độc của những dục vọng không được thỏa mãn ngấm vào nội tâm, trong cơn sốt của những dao động, những quyết định được đưa ra tưởng chừng cho mãi mãi, nào ngờ chỉ trong phút chốc lại trở thành nỗi ăn năn - đấy, toàn bộ tinh túy của niềm khoái lạc lạ thường được chứa đựng trong những thứ mà tôi đã nói ở trên. Niềm khoái lạc ấy tinh tế đến mức đôi khi không phụ thuộc vào í thức, đến mức những kẻ hơi bị hạn chế hoặc thậm chí cả những kẻ có thần kinh vững vàng cũng chả hiểu chút gì. "Có lẽ cả những đứa chưa ăn tát bao giờ cũng chả hiểu nổi" - quý vị sẽ ngoác miệng cười mà bổ sung, nghĩa là quý vị tỏ ra lịch sự mà nói bóng gió với tôi rằng, chắc hẳn tôi đã bị ăn tát cả đời nên mới am tường đến thế. Dám đánh cuộc là quý vị đã nghĩ vậy. Nhưng xin quý vị cứ iên tâm, tôi chưa bị ăn tát bao giờ, mặc dù tôi cóc quan tâm quý vị có nghĩ thế hay không. Có khi tôi còn tiếc là trong đời mình ít khi ban cái tát cho kẻ khác. Mà thôi đủ rồi, không một lời nào nữa về đề tài khiến cho quý vị cảm thấy vô cùng khoái chí này.
Tôi xin bình tĩnh nói tiếp về những người có thần kinh vững vàng mà chẳng hiểu được sự tinh tế của niềm khoái lạc. Mặc dù trong một vài trường hợp chẳng hạn, quý ngài ấy có rống lên hết cỡ như lũ bò tót, và giả như điều này đem lại cho họ vinh dự tuyệt đỉnh đi nữa, song như tôi đã nói, khi đối mặt với điều bất khả là họ lập tức hạ giọng ngay. Phải chăng điều bất khả chính là bức tường đá? Bức tường đá nào? Ô hay, tất nhiên đó là những quy luật tự nhiên, là những kết luận của khoa học tự nhiên, là toán học. Chẳng hạn nếu có ai chứng minh rằng quý vị có nguồn gốc từ loài khỉ, thì quý vị cũng chẳng nên nhăn mặt làm gì, mà hãy chấp nhận nó như một sự thật. Hoặc giả có người chứng minh rằng thực chất một giọt mỡ của quý vị đối với quý vị phải đáng giá hơn hàng trăm ngàn giọt mỡ của đồng loại, rằng tất cả những thứ gọi là đức tính, bổn phận, những điều nhảm nhí và thành kiến khác chung quy sẽ được giải quyết theo kết quả ấy, thì quý vị cũng chẳng làm được gì hơn là buộc phải chấp nhận, bởi vì hai lần hai - là toán học. Quý vị cứ thử cãi lại xem!
"Xin thứ lỗi, - thiên hạ sẽ quát vào mặt quý vị - đâu thể phản đối được hai lần hai là bốn! Tạo hóa chả việc gì phải hỏi han quý vị; nó cần cóc gì những mong muốn này khác của quý vị, đến việc quý vị có ưa hay không ưa những quy luật của nó. Quý vị buộc phải chấp nhận nó đúng như bản chất của nó, do đó, chấp nhận luôn cả những hệ quả của nó. Một bức tường có nghĩa là một bức tường... vân vân và vân vân...". Trời đất ạ, nhưng tôi cần đếch gì những quy luật tự nhiên và số học, một khi vì lí do nào đó tôi không ưa những quy luật và cái "hai lần hai là bốn" ấy? Cố nhiên, tôi sẽ chẳng húc đầu vào tường nếu thực sự không đủ sức để húc, nhưng tôi cũng sẽ không thỏa hiệp với nó đơn thuần chỉ vì đó là bức tường đá và tôi không đủ sức húc đổ nó.
Cứ như thể bức tường đá ấy đúng là sự xoa dịu và đúng là trong nó hàm chứa từ ngữ nào đó ám chỉ sự bình iên, duy nhất chỉ vì cái "hai lần hai là bốn" không bằng. Ôi chao, một sự phi lí của mọi sự phi lí! Nào phải là chuyện hiểu được hết, í thức được hết mọi điều bất khả, mọi bức tường đá; nào phải là chuyện nếu thấy ghê tởm việc thỏa hiệp thì đừng thỏa hiệp nữa; bằng những kết hợp logic tất iếu nhất dẫn đến những kết luận gớm ghiếc nhất về đề tài muôn thuở, là dường như quý vị vẫn có lỗi gì đó trong việc tồn tại bức tường đá kia, mặc dù rõ rành rành là quý vị hoàn toàn chẳng có lỗi gì ráo trọi, thế là quý vị lại âm thầm nghiến răng bất lực và khoan khoái bất động trong sự trì trệ mà mơ tưởng rằng té ra chả việc gì phải tức giận ai cả; rằng không tìm thấy đối tượng nào, và có lẽ chẳng bao giờ tìm ra được, rằng đó chẳng qua chỉ là một sự thay thế, một sự đánh tráo, một trò bịp bợm, đơn giản là một vũng đục ngầu - không biết là gì và chẳng rõ là ai, nhưng bất chấp mọi thứ mập mờ và mọi trò đánh tráo, chung quy quý vị vẫn đau khổ, và càng không rõ bao nhiêu lại càng đau khổ bấy nhiêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét