Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Ghi chép dưới hầm (I-4)


IV
- Ha-ha-ha! Nói như anh thì chắc cũng tìm thấy niềm khoái lạc trong cơn đau răng đấy nhỉ! - quý vị sẽ cười sang sảng mà bảo tôi như vậy.
- Còn phải bảo? trong nỗi đau răng là một niềm khoái lạc, - tôi đáp. - Tôi bị đau răng cả tháng trời nay nên tôi biết lắm. Cố nhiên khi đau răng người ta sẽ không âm thầm tức giận, mà người ta rên rỉ; nhưng đó không phải là những tiếng rên thành thật, đó là những tiếng rên nham hiểm, mà toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ cái nham hiểm đó. Trong những tiếng rên bộc lộ niềm khoái lạc của kẻ bị đau; nếu không cảm thấy khoái lạc thì hắn đã chẳng rên làm gì. Đó là một ví dụ rất hay, thưa quý vị, tôi xin triển khai nó ra. Thứ nhất, trong những tiếng rên ấy bộc lộ toàn bộ bản chất vô ích thấp hèn của cơn đau đối với í thức của ta; toàn bộ tính quy luật tự nhiên, cho dù nhổ toẹt vào nó, rốt cuộc quý vị vẫn đau khổ vì nó, còn nó cứ trơ trơ ra đấy. Thể hiện í thức là tuy chẳng có kẻ thù nảo hết, nhưng quý vị vẫn cứ đau đớn như thường; thể hiện í thức là dù có bao nhiêu ngài Wagenheim[1] tài giỏi đi nữa, quý vị vẫn cứ là nô lệ của những chiếc răng đau; rằng nếu có ai đó ước cho hết đau, răng của quý vị sẽ khỏi đau ngay, còn nếu không muốn, thì răng của quý vị sẽ tiếp tục đau suốt ba tháng nữa; và rốt cuộc, nếu quý vị vẫn không bằng lòng và tiếp tục phản kháng đến cùng, thì quý vị chỉ còn mỗi một nước tự quất roi vào người hoặc đấm tay vào tường cho thật đau hơn nữa, chả còn phương cách nào quyết liệt hơn đâu. Và chính từ những điều nhục mạ chết người, từ những tiếng cười nhạo báng, không biết của ai, là khởi đầu của cảm giác khoái lạc đôi khi đạt đến đỉnh cao của niềm khoái lạc xác thịt. Thưa quý vị, xin quý vị vào dịp nào đó hãy thử lắng nghe tiếng rên của một con người có học thức của thế kỉ XIX, lúc hắn bị đau răng được đôi ba hôm, khi tiếng rên rỉ của hắn bắt đầu không còn giống như tiếng rên của hôm đầu tiên, nghĩa là không đơn thuần chỉ vì răng đau; không như một anh nhà quê thô lỗ nào đó, mà rên rỉ như một con người được sự phát triển và nền văn minh châu Âu khai hóa, như một con người "đã tách rời khỏi nền tảng và nguồn gốc nhân dân", như bây giờ người ta thường nói. Tiếng rên rỉ của hắn đã trở nên kinh tởm, bẩn thỉu, độc địa và tuồng như không dứt, suốt ngày dài tới hết đêm thâu. Mà hắn thừa biết có rên thế cũng chẳng lợi lộc gì; hắn rõ hơn ai hết là chỉ tổ dày vò và làm bực mình chính bản thân cũng như mọi người xung quanh một cách vô ích; hắn cũng biết thậm chí công chúng, những người mà hắn cố lên giọng rên rỉ để họ nghe, rồi cả gia đình hắn nữa cũng đã bắt đầu chán ghét, chẳng còn mảy may tin tưởng và thầm hiểu là hắn có thể làm khác đi, có rên thì cũng rên bình thường thôi chứ đừng có mà ngân nga uốn éo như vậy, còn hắn có dở trò mèo như thế chẳng qua là vì độc ác, nham hiểm. Đấy, toàn bộ cái khoái lạc xác thịt chứa đựng trong sự í thức, sự nhục nhã ấy đấy. "Ái chà chà, tôi làm rộn các người hả, tôi vò xé tim các người hả, tôi không cho cả nhà ngủ hả? Vậy thì đừng ngủ nữa, mà hãy cảm nhận cơn đau răng của tôi từng giây phút đi. Giờ đây tôi không còn là một anh hùng trong mắt các người như trước kia từng muốn tỏ ra, mà chỉ là một con người ghê tởm, một chenapan (tên vô lại). Mặc xác! Tôi còn lấy làm mừng là các người đã biết tỏng chân tướng của tôi! Các người thấy tởm những tiếng rên đê tiện của tôi hả? Mặc xác cái tởm của các người; tôi sẽ còn ngân nga tởm hơn cho mà xem..." Đến giờ này mà quý vị vẫn chưa chịu hiểu? Không, rõ ràng là phải đạt tới một trình độ nhận thức sâu sắc mới hiểu được hết mọi ngóc ngách của cái khoái lạc xác thịt này. Quý vị cười ư? Rất hân hạnh. Thưa quý vị, cố nhiên giọng điệu pha trò của tôi thậm vô duyên, bất bình thường, rắc rối, không đáng tin cậy. Tất cả là do tôi không có lòng tự trọng. Nhưng lẽ nào một con người đầy í thức lại có thể tự trọng được chứ, cho dù chỉ một chút?


[1] Nói về các nha sĩ có tên Wagenheim. Theo danh bạ địa chỉ thành phố Peterburg thập niên 1860 có 8 nha sĩ mang tên Wagenheim, biển quảng cáo tên này treo nhiều nơi ở thành phố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét