“BỖNG DƯNG CHÚNG TÔI THÈM SỐNG KINH
KHỦNG...”
Điện thoại đổ chuông liên tục. Tôi ghi
lại những địa chỉ mới, nhận những lá thư mới. Không thể dừng lại được, bởi lẽ
mỗi lần, sự thật đều không thể chịu đựng nổi.
Tamara Stepanovna Umnyagina, hạ sĩ binh đoàn cận vệ, nữ cứu thương
“Ồ, cưng của tôi...
Suốt đêm tôi đã nhớ lại, đã dồn lại trong
kí ức...
Tôi chạy đến phòng tuyển quân, mặc
một chiếc váy cộc vải thô, đi đôi giày cao su màu trắng, chúng giống như giày vải,
có khóa, mốt nhất lúc bấy giờ. Thế đấy, tôi mặc váy cộc, đi giày thể thao mà lại
xin ra trận, họ cử tôi đi. Tôi ngồi lên một chiếc xe tải nào đó. Tôi đến đơn
vị, đó là một sư đoàn bộ binh đóng quân gần Minsk, nhưng họ bảo tôi rằng nếu nhận
tôi thì cánh đàn ông sẽ thấy xấu hổ, vì những cô gái tuổi mới mười bảy mà phải đi
chiến đấu. Và với tinh thần ấy, thế nào ta cũng sớm tiêu diệt kẻ thù, quay về
với mẹ đi cô bé. Tất nhiên là tôi rất bực khi không được nhận vào lính. Tôi phải
làm gì bây giờ? Tôi đến phòng chỉ huy trưởng, ông ta đang ngồi với ông đại tá,
người đã từ chối tôi, rồi tôi nói: “Thưa đồng chí chỉ huy cao cấp hơn, cho phép
tôi không nghe lời đồng chí đại tá. Dù sao tôi cũng không về nhà, tôi sẽ cùng rút
quân với các đồng chí. Tôi biết đi đâu bây giờ, quân Đức đã kéo gần tới nơi rồi.”
Sau vụ đó, mọi người đều gọi tôi là “đồng chí chỉ huy cấp cao hơn”. Đó là ngày
thứ bảy của cuộc chiến. Quân ta bắt đầu rút lui...
Chẳng bao lâu, chúng tôi đã ngập ngụa
trong máu. Người bị thương nhiều vô kể, nhưng họ thật bình tĩnh, họ rất chịu đựng,
họ còn ham sống. Mọi người đều muốn sống sót cho đến ngày chiến thắng. Chúng
tôi chờ đợi, thế đấy... Tôi nhớ mình ngập trong máu, lên đến, lên đến... Đôi
giày của tôi đã bị hỏng, tôi phải đi chân trần. Tôi đã thấy gì? Nhà ga xe lửa gần
Mogilyov bị ném bom. Ở đó có một chuyến tàu chở đầy trẻ em. Người ta bắt đầu đưa
chúng ra qua cửa sổ toa, bọn trẻ nhỏ, độ ba hoặc bốn tuổi. Có một khu rừng gần
đó, chúng chạy vào rừng. Đúng lúc ấy xe tăng Đức xuất hiện, chúng lao vào bọn
trẻ. Chẳng còn chút gì của bọn trẻ ấy... Ngay bây giờ cũng có thể phát điên vì
cảnh tượng đó. Nhưng trong chiến tranh người ta vẫn đứng vững, họ chỉ bị mất
trí lúc sau chiến tranh. Phát ốm sau chiến tranh. Trong chiến tranh vết loét dạ
dày cũng chóng lành hơn. Ta ngủ trong tuyết giá, áo khoác mỏng manh, thế mà sáng
ra, thậm chí ta còn không bị sổ mũi.
Rồi đơn vị chúng tôi bị bao vây.
Tôi có rất nhiều người bị thương, mà chẳng chiếc xe nào chịu dừng lại để đón họ.
Quân Đức thì đã đến ngay sát gót, sắp sửa khép chặt gọng kìm. Lúc đó, một trung
úy bị thương đưa cho tôi khẩu súng lục: “Cô có biết bắn không?” Làm sao tôi biết
được chứ? Tôi chỉ xem họ bắn thôi. Nhưng tôi cầm lấy khẩu súng và đi cùng anh
ta ra đường để chặn xe tải. Ở đó, lần đầu tiên trong đời tôi chửi tục. Như đàn
ông. Một tràng chửi thề đầy đủ lớp lang tròn trịa... Các xe tải cứ phóng vụt qua...
Tôi bắn chỉ thiên một phát đầu tiên... Tôi biết rằng chúng tôi không thể chuyển
thương binh bằng tay. Không cáng nổi. Họ nài nỉ: “Các cô, kết liễu chúng tôi đi.
Đừng để chúng tôi như thế này.” Phát súng thứ hai... Viên đạn găm vào thùng xe...
“Đồ ngốc! Trước tiên hãy học bắn súng đã.” Họ phanh xe lại. Và giúp chúng tôi đưa
thương binh lên.
Nhưng điều khủng khiếp nhất vẫn còn
ở phía trước, trận Stalingrad là kinh hoàng nhất. Bãi chiến trường đó là gì? Là
cả thành phố - đường sá, nhà cửa, tầng hầm. Hãy thử kéo thương binh ra khỏi đó xem!
Toàn thân tôi lúc bấy giờ chỉ còn là một vết bầm lớn. Quần của tôi đẫm máu.
Hoàn toàn. Thượng sĩ mắng chúng tôi: “Này các cô, không còn quần nữa đâu, đừng xin
thêm.” Quần của chúng tôi khô cứng lại; có nhúng bột hồ cũng không cứng như thấm
máu, có thể làm trầy da. Chẳng còn một vết nào là sạch, mùa xuân chẳng còn gì để
đổi trả cho quân nhu. Mọi thứ đều bốc cháy, trên sông Volga chẳng hạn, ngay cả mặt
nước cũng bốc lửa. Thậm chí vào mùa đông mặt sông cũng không đóng băng nổi, mà bốc
cháy. Mọi thứ đều cháy rụi... Ở Stalingrad không một tấc đất nào mà không thấm
đẫm máu người. Người Nga và người Đức. Và xăng... Dầu nhờn... Mọi người đều biết rằng không còn đường
lui, quân ta không thể rút lui: hoặc là tất cả chúng ta sẽ hi sinh - đất nước, nhân
dân Nga, hoặc là chúng ta sẽ chiến thắng. Mọi người đều hiểu rõ điều đó, đã có
một thời điểm như vậy. Tuy không nói ra, nhưng mọi người đều hiểu. Cả tướng lẫn
lính đều hiểu...
Quân tiếp viện đến. Những chàng trai
trẻ đẹp. Trước trận đánh, ta nhìn vào họ và biết ngay rằng họ sẽ chết. Tôi e ngại
những người mới. Sợ làm quen với họ, nói chuyện với họ. Bởi vì họ đến đây, và rồi
biến mất ngay. Chỉ trong hai hoặc ba hôm... Cứ nhìn vào họ trước trận đánh... Bấy
giờ là năm 1942, thời điểm khó khăn, khốc liệt nhất. Có lần, trong số ba trăm
người quân ta đến cuối ngày chỉ còn vỏn vẹn mười người. Và khi chúng tôi chỉ còn
lại bấy nhiêu, khi ngừng tiếng súng, chúng tôi ôm hôn nhau, khóc lóc, vì bỗng nhiên
chúng tôi còn sống. Tất cả chúng tôi trở thành người một nhà. Một gia đình.
Một người sắp chết trước mắt ta...
Và ta biết, ta thấy mình không thể giúp gì được, anh ta chỉ còn sống thêm được
vài phút. Ta hôn, vuốt ve anh ấy, nói những lời dịu dàng. Nói lời từ biệt. Thế đấy,
ta đâu thể nào giúp gì được hơn... Đến giờ tôi vẫn còn nhớ những khuôn mặt đó.
Tôi thấy họ, tất cả những chàng trai trẻ ấy. Chẳng rõ vì sao nhiều năm trôi
qua, giá như tôi có thể quên, chí ít là một khuôn mặt. Nhưng tôi đã chẳng quên được
ai, tôi nhớ tất cả... Thấy tất cả... Chúng tôi muốn tự tay mình đắp mộ cho họ, nhưng
đâu phải lúc nào cũng có thể. Chúng tôi ra đi, và họ còn nằm lại. Có khi, ta
băng bó toàn bộ đầu của một thương binh, và anh ấy chết trong tay ta dưới lớp
băng. Rồi anh ta được chôn với cái đầu quấn đầy băng. Một người khác, nếu hi sinh
trên chiến trận, ít ra anh ta có thể nhìn lên bầu trời. Hoặc khi hấp hối anh ấy
nhờ ta: “Hãy vuốt mắt hộ tôi, cô y tá, thật cẩn thận nhé.” Thành phố bị phá hủy,
nhà cửa đổ nát - tất nhiên là khủng khiếp, nhưng khi người ta nằm xuống, những chàng
trai trẻ... Ta không thể chần chừ, ta chạy... Để cứu họ... Tưởng chừng như ta không
còn chút sức lực nào, không trụ nổi năm phút nữa, đã đuối sức... Nhưng ta vẫn chạy...
Tháng Ba, tuyết bắt đầu tan dưới chân... Không thể mang giày nỉ, nhưng tôi vẫn xỏ
chúng và đi. Tôi bò cả ngày với ủng nỉ trong chân, đến tối chúng ướt nhẹp tới mức
tôi không thể cởi ra được. Phải cắt bỏ. Thế mà tôi đã không bị ốm... Cô tin nổi
không hả, cưng của tôi?
Khi trận Stalingrad kết thúc,
chúng tôi được giao nhiệm vụ chuyển những thương binh nặng nhất về Kazan và
Gorki bằng tàu thủy và sà lan. Bấy giờ là mùa xuân, đâu đó vào tháng ba, tháng
tư. Nhưng chúng tôi đã tìm ra thêm biết bao nhiêu thương binh, họ bị vùi trong
đất - trong các chiến hào, các hầm đất, các tầng hầm... Họ nhiều đến mức tôi không
thể nói là bao nhiêu. Thật kinh khủng! Chúng tôi cứ nghĩ rằng khi đưa những thương
binh ra khỏi chiến trường thì sẽ không còn nữa, tất cả đã được chuyển đi, ở Stalingrad
không còn thương binh nào, nhưng khi mọi thứ đã xong, hóa ra là còn rất nhiều, không
sao tin nổi... Không thể tưởng tượng nổi... Trên chuyến tàu tôi đi, người ta đã
tập hợp những người bị mất tay, mất chân và hàng trăm người bị lao. Chúng tôi
phải chăm sóc họ, động viên họ bằng những lời nói nhẹ nhàng, an ủi bằng những nụ
cười. Khi cử chúng tôi đi, người ta đã hứa hẹn rằng chúng tôi sẽ được nghỉ ngơi
sau trận chiến, rằng thậm chí tương tự như một phần thưởng, một sự khích lệ.
Nhưng hóa ra nó còn khủng khiếp hơn cả địa ngục Stalingrad. Ngoài chiến trường khi
ta kéo một người bị thương ra, sơ cứu rồi giao anh ta cho người khác, ta tin chắc
rằng anh ta đã ổn và được chuyển đi. Ta lại tiếp tục, bò đi cứu người kế tiếp. Còn
ở đây, lúc nào họ cũng ở trước mắt ta... Ở ngoài đó họ muốn sống, khao khát sống:
“Nhanh lên, cô y tá! Nhanh lên, cô em thân mến!” Còn ở đây họ không chịu ăn, mà
chỉ muốn chết. Họ nhảy ra khỏi boong tàu. Chúng tôi phải canh chừng họ. Bảo vệ họ.
Tôi đã phải ngồi trông chừng một đại úy thậm chí mấy đêm liền, anh ấy mất cả
hai tay và chỉ muốn chết. Một lần tôi quên cảnh báo cho cô y tá thay ca, tôi ra
ngoài vài phút và anh ấy đã lao ra khỏi thành tàu...
Chúng tôi đưa họ đến Usolye, gần
Perm. Ở đó có những ngôi nhà nhỏ, mới và sạch sẽ, được dành riêng cho họ. Giống
như một trại thiếu niên tiền phong... Chúng tôi khiêng họ trên cáng, còn họ nghiến
răng vì đau đớn. Tôi có cảm giác mình có thể lấy làm chồng bất kì ai trong số họ.
Đã mang anh ấy trên tay. Chúng tôi trở về, trên chiếc tàu trống rỗng, có thể
nghỉ ngơi một lúc, nhưng chúng tôi không ngủ. Các cô gái cứ nằm mãi rồi sau đó khóc
nức lên. Chúng tôi cứ ngồi và viết thư cho họ mỗi ngày. Tự phân công ai sẽ viết
thư cho ai. Ba bốn bức thư mỗi ngày.
Có một chuyện vặt vãnh thế này.
Sau chuyến đi ấy, tôi bắt đầu che chân và mặt mình trong các trận đánh. Tôi có
đôi chân đẹp, tôi đã sợ chúng bị biến dạng. Và tôi cũng lo cho khuôn mặt mình. Một
chi tiết như thế...
Sau chiến tranh, mấy năm trời tôi
không thể nào xua đi được mùi máu, nó bám theo tôi rất lâu. Tôi giặt quần áo vẫn
ngửi thấy mùi, tôi nấu ăn, lại ngửi thấy mùi. Ai đó đã tặng tôi một chiếc áo
cánh màu đỏ, vào thời thiếu vải bấy giờ thì đấy là của hiếm, nhưng tôi lại
không mặc được vì nó có màu đỏ. Tôi không thể nào chịu nổi cái màu ấy. Không thể
đến cửa hàng mua thực phẩm. Ở quầy thịt. Nhất là vào mùa hè... Khi nhìn thấy thịt
gà, cô biết đấy, trông rất giống... Nó cũng trắng như thịt người... Chồng tôi phải
đi chợ... Đến mùa hè, tôi không thể ở lại thành phố, phải cố hết sức đi đâu đó.
Vừa mới chớm hè là tôi có cảm giác như chiến tranh sắp nổ ra. Khi mặt trời sưởi
ấm mọi thứ: cây cối, nhà cửa, nhựa đường - mọi thứ đều bốc mùi, với tôi mọi thứ
đều có mùi máu. Dù ăn uống bất cứ thứ gì, tôi cũng không thể xua đi cái mùi ấy!
Ngay cả những tấm trải giường sạch tôi cũng thấy có mùi máu...
... Những ngày tháng 5 năm 1945...
Tôi nhớ chúng tôi đã chụp rất nhiều ảnh. Chúng tôi đã vô cùng vui sướng... Ngày
9 tháng Năm, mọi người đều reo hò: “Chiến thắng! Chiến thắng!” Những người lính
nằm lăn trên cỏ. Chiến thắng rồi! Chúng tôi nhảy, giậm gót giày. Ôi cha-ao-ao...
Người ta bắn lên trời... Ai có súng
đều bắn chỉ thiên...
“Ngừng lại, không được bắn!” Chỉ
huy ra lệnh.
“Dù sao đạn vẫn còn. Để làm gì chứ?”
Chúng tôi không hiểu.
Dù ai nói gì thì tôi cũng chỉ
nghe được một từ - Chiến thắng! Bỗng dưng chúng tôi thèm
sống kinh khủng! Từ bây giờ chúng tôi sẽ bắt đầu cuộc sống tươi đẹp biết
dường nào! Tôi đeo tất cả các huy chương của mình và đề nghị được chụp ảnh. Chả
hiểu vì sao tôi lại muốn chụp ảnh giữa những bông hoa. Tôi được chụp giữa một bồn
hoa.
Ngày 7 tháng Sáu là một ngày hạnh
phúc, ngày cưới của tôi. Đơn vị đã tổ chức cho chúng tôi một lễ mừng lớn. Tôi biết
chồng tôi đã lâu: anh là đại úy chỉ huy trưởng đại đội. Chúng tôi đã thề với
nhau, nếu sống sót, chúng tôi sẽ kết hôn ngay sau chiến tranh. Chúng tôi được cho
một tháng nghỉ phép...
Chúng tôi đi Kineshma, thuộc tỉnh
Ivanovo, đến nhà cha mẹ anh ấy. Tôi đã đi như một nữ anh hùng, không bao giờ nghĩ
rằng một cô gái từ mặt trận về lại có thể được chào đón như vậy. Chúng tôi đã
trải qua rất nhiều, đã cứu bao nhiêu người con cho các bà mẹ, người chồng cho các
bà vợ. Rồi đột nhiên... Tôi chạm trán sự lăng mạ, nghe thấy những lời xúc phạm.
Đến tận lúc đó tôi chưa nghe gì khác ngoài những tiếng “cô y tá thân yêu”, “cô em
yêu mến”. Mà tôi là người thế nào chứ, tôi khá xinh đẹp. Tôi đã được phát một bộ
đồng phục mới tinh.
Buổi tối, chúng tôi ngồi uống trà,
bà mẹ kéo con trai xuống bếp và khóc: “Con đã cưới ai vậy? Một cô gái ngoài mặt
trận... Con còn hai đứa em gái nữa. Ai thèm cưới chúng bây giờ?” Giờ đây, khi nhớ
lại chuyện này, tôi muốn khóc. Cô hãy hình dung: tôi mang đến một chiếc đĩa hát
mà tôi rất thích. Những lời hát thế này: em lại có quyền đi những đôi giày thời
trang nhất... Bài hát về một cô gái đã ra trận. Tôi cho đĩa hát chạy, chị gái của
anh bước đến và đập vỡ nó ngay trước mặt tôi, ngụ ý là, cô chẳng có quyền gì hết.
Họ cũng hủy hết các bức ảnh ngoài chiến trận của tôi... Ôi, cưng của tôi, tôi
không còn từ nào để nói nữa. Đã cạn lời...
Hồi đó chúng tôi được phát tem
phiếu lương thực, những tấm thẻ nhỏ. Tôi và chồng tôi gom tem phiếu lại để đi mua
thực phẩm. Chúng tôi đến nơi, đó là một nhà kho đặc biệt, đã có người xếp hàng,
chúng tôi đứng đợi. Đến lượt tôi, người đàn ông đứng ở quầy đột nhiên nhảy qua quầy
đến chỗ tôi, ôm hôn tôi và la lớn, “Các cậu ơi, này các cậu! Tôi đã tìm thấy cô
ấy. Tôi đã nhận ra. Tôi muốn gặp lại cô ấy, đã đi tìm. Các cậu, cô ấy là người
đã cứu tôi!” Còn chồng tôi đang đứng bên cạnh. Đó là một thương binh mà tôi đã lôi
ra khỏi đám lửa. Dưới làn đạn. Anh ấy nhớ mặt tôi, còn tôi? Làm sao tôi có thể
nhớ hết được, bao nhiêu là người! Lần khác tôi gặp một thương binh tại nhà ga: “Cô
y tá!” Anh ấy nhận ra tôi. Và khóc: “Tôi tự nhủ, nếu gặp lại, tôi sẽ quỳ xuống chân
cô...” Mà anh ấy đã mất một chân...
Những cô gái tuyến đầu chúng tôi
đã nếm trải đủ. Và sau chiến tranh vẫn còn nhiều thử thách, sau chiến tranh
chúng tôi lại còn một cuộc chiến khác. Cũng thật ác liệt. Đàn ông đã bỏ rơi
chúng tôi vì lí do nào đó. Không còn che chở. Trước kia ở mặt trận thì khác. Ta
đang bò, một mảnh pháo hay một viên đạn vèo qua... Các chàng trai cảnh báo... “Nằm
xuống, cô em!” Ai đó hét lên và nằm đè lên ta, lấy thân mình che cho ta. Và hứng
lấy viên đạn... Anh ấy có thể chết hoặc bị thương. Tôi đã được cứu thoát như thế
ba lần.
Từ Kineshma chúng tôi quay lại đơn
vị. Về đến nơi và biết được rằng đơn vị chúng tôi chưa giải thể, chúng tôi sẽ đi
phá mìn. Phải trả lại đất cho các nông trang. Với mọi người thì chiến tranh đã
kết thúc, nhưng với lính công binh thì vẫn còn tiếp tục. Các bà mẹ đều biết rằng
ta đã Chiến thắng... Cỏ mọc rất cao, chung quanh là bom mìn. Nhưng người dân cần
đất, vì thế chúng tôi phải nhanh chóng. Ngày nào đồng đội chúng tôi cũng hi sinh.
Sau chiến tranh mà ngày nào cũng phải chôn cất... Nhiều người chúng tôi đã phải
bỏ mình ở đó, trên những cánh đồng... Nhiều lắm... Đất đã được giao cho nông trang,
máy kéo chạy trên đồng, đâu đó một quả mìn vẫn còn sót lại, kể cả mìn chống tăng
và máy kéo nổ tung, thợ lái máy kéo cũng nổ tung. Mà máy kéo thì có nhiều nhặn gì
đâu. Và đàn ông cũng chẳng còn nhiều. Sau chiến tranh vẫn còn phải thấy những
giọt nước mắt ở thôn làng... Các bà khóc nức nở... Trẻ con nức nở... Tôi nhớ đơn
vị chúng tôi có một người lính... Gần Staraya Russa, tôi quên mất tên ngôi làng,
anh ấy là người ở đó, đi gỡ mìn tại nông trang quê mình, trên cánh đồng quê
mình, và đã hi sinh. Cả thôn đã mai táng anh ở đó. Suốt cuộc chiến anh đã chiến
đấu, bốn năm trời, rồi sau chiến tranh đã hi sinh trên mảnh đất quê hương, trên
cánh đồng quê hương mình.
Hễ bắt đầu kể chuyện này là tôi phát
ốm. Tôi kể, và bên trong tôi bắt đầu lạnh toát, mọi thứ run rẩy. Tôi lại thấy, lại
hình dung ra mọi thứ: những người chết nằm đó - miệng mở to, họ kêu gào điều gì
đó mà không thể kết thúc tiếng kêu, ruột họ phòi ra. Trong đời mình tôi thấy người
chết còn nhiều hơn những khúc gỗ... Thật đáng sợ! Đáng sợ biết chừng nào những trận
đánh giáp lá cà, nơi người ta lao vào nhau bằng lưỡi lê... Lưỡi lê tuốt trần. Ta
bắt đầu lắp bắp, mất mấy ngày không thể phát âm một từ cho chính xác. Mất khả năng
nói thành lời. Chẳng lẽ những người chưa từng ở đó có thể hiểu được điều này?
Làm thế nào kể lại được? Với khuôn mặt nào? Nào, hãy trả lời tôi phải hồi tưởng
lại với khuôn mặt nào? Những người khác thì có thể bằng một cách nào đó... Họ
có khả năng... Còn tôi thì không. Tôi chỉ khóc. Mà điều ấy cần phải được lưu lại.
Phải kể lại. Ở một nơi nào đó trên thế giới cần phải lưu lại tiếng thét của
chúng tôi. Tiếng rú của chúng tôi...
Tôi luôn mong đến ngày lễ của
chúng tôi. Ngày Chiến thắng... Mong chờ và lo sợ. Suốt mấy tuần tôi cố tình dồn
hết quần áo và đồ vải lại, cho thật nhiều, và tôi giặt giũ cả ngày. Suốt ngày hôm
đó tôi cần phải bận bịu, cần phải bị phân tâm vì điều gì đó. Còn khi gặp nhau, e
là chúng tôi không có đủ khăn tay, những cuộc gặp gỡ của cựu chiến binh chúng tôi
là như vậy. Một biển nước mắt... Tôi không thích những đồ chơi chiến tranh, đồ
chơi chiến tranh cho trẻ con. Xe tăng, súng máy... Ai đã nghĩ ra những thứ đó?
Nó làm đảo lộn tâm hồn tôi. Tôi chẳng bao giờ mua hay tặng đồ chơi chiến tranh
cho trẻ con. Không cho con cháu mình, không cho con cháu người khác. Có lần ai
đó mang một máy bay chiến đấu nhỏ và một khẩu súng nhựa đến nhà tôi. Tôi ném
chúng vào sọt rác. Ngay lập tức! Bởi lẽ cuộc sống con người là một món quà... Món
quà tuyệt vời! Mà chính con người không phải là chủ nhân ban tặng món quà đó.
Cô có biết suốt thời chiến chúng tôi
đã có ý nghĩ gì không? Chúng tôi đã ước ao: “Này các cậu ơi, miễn là được sống sót...
Người ta sẽ sung sướng biết dường nào sau chiến tranh! Cuộc sống sẽ đẹp đẽ biết
bao, sẽ hạnh phúc biết bao. Những ai đã trải qua chừng ấy thứ sẽ biết thương xót
nhau. Yêu nhau. Sẽ khác đi.” Chúng tôi chưa từng nghi ngờ gì điều này. Không một
chút nào.
Cưng của tôi ơi... Người ta vẫn căm
thù nhau như trước kia. Vẫn giết nhau. Đó là điều khó hiểu nhất đối với tôi... Mà
đó là ai? Chúng ta... Là chúng ta...
Gần Stalingrad... Tôi kéo hai thương
binh. Tôi kéo một người rồi để đấy, sau đó quay lại kéo người khác. Cứ thế lần
lượt từng người, vì họ bị thương rất nặng nên không thể để họ lại được, làm thế
nào để giải thích một cách thật đơn giản nhỉ, cả hai đều bị thương ở chân, họ bị
mất máu. Mỗi phút đều quý giá, từng phút một. Đột nhiên, khi bò ra hơi xa khỏi chiến
trận, khói đã bớt dày đặc, tôi bỗng phát hiện mình đang kéo một lính tăng quân ta
và một lính Đức... Tôi vô cùng hoảng hốt: người của ta đang chết ở đó, thế mà
tôi lại cứu một lính Đức. Tôi thấy kinh hoàng... Ở đó khói dày đặc, tôi không phân
biệt được... Chỉ thấy một người sắp chết, một người đang kêu gào... Á-á-á... Cả
hai đều bị cháy sém, đen nhẻm. Y hệt nhau. Nhưng ở đây tôi nhìn kĩ lại: huy hiệu
lạ, đồng hồ lạ, mọi thứ đều lạ. Bộ đồng phục đáng nguyền rủa. Làm gì bây giờ?
Tôi vừa kéo người bị thương của ta vừa nghĩ: “Có nên quay lại cứu tên Đức kia hay
không?” Tôi biết nếu bỏ lại thì hắn sẽ chết ngay. Vì mất máu... Tôi đã bò ngược
lại để cứu hắn. Tôi tiếp tục kéo cả hai...
Đó là trận Stalingrad... Những trận
đánh vô cùng khủng khiếp. Khủng khiếp nhất. Cưng của tôi ơi... Không thể vừa có
một trái tim dành cho căm thù, lại vừa có một trái tim khác dành cho yêu thương.
Con người chỉ có một trái tim mà thôi, và tôi luôn nghĩ làm thế nào để gìn giữ trái
tim mình.
Rất lâu sau chiến tranh tôi vẫn sợ
bầu trời, thậm chí sợ cả ngẩng đầu lên trời. Tôi sợ thấy ở đấy mặt đất bị cày nát.
Mà lũ quạ thì bình thản bay trên đó. Chim chóc thật chóng quên chiến tranh...”
(1978-2004)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét