Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

CHIẾN TRANH KHÔNG MANG KHUÔN MẶT PHỤ NỮ (002)




CON NGƯỜI LỚN HƠN CHIẾN TRANH

Thật vô nghĩa triệu gót giày tử sĩ
Giậm nát lối mòn giữa hư không...
(Osip Mandelstam[1])

TRÍCH NHẬT KÍ LÀM SÁCH CỦA TÁC GIẢ
1978-1985

Tôi viết một cuốn sách về chiến tranh...
Tôi là người không hề thích đọc sách viết về chiến tranh, cho dù thời thơ ấu và trưởng thành của tôi, đó là thể loại yêu thích của mọi người. Tất cả những người đồng trang lứa với tôi. Và điều đó chẳng có gì lạ - chúng tôi là những đứa con của Chiến thắng. Con cái của những người thắng trận. Điều đầu tiên tôi nhớ về chiến tranh là điều gì? Nỗi buồn trẻ thơ giữa mớ từ ngữ khó hiểu và đầy đe dọa. Chiến tranh được nhắc tới thường xuyên: ở trường và ở nhà, ở lễ cưới và lễ rửa tội, ở lễ hội và đám tang. Thậm chí trong những cuộc chuyện trò của trẻ con. Có lần thằng bé hàng xóm hỏi tôi: “Không biết người ta làm gì dưới lòng đất? Ở đó họ sống ra sao?” Chúng tôi muốn giải mã bí mật của chiến tranh.
Khi đó tôi đã suy tư về cái chết... Và rồi chưa bao giờ ngừng nghĩ về nó, với tôi nó là bí mật cốt yếu của cuộc sống.
Với chúng tôi, mọi sự đều khởi nguồn từ cái thế giới bí mật và khủng khiếp ấy. Trong gia đình chúng tôi: ông ngoại người Ukraina, bố của mẹ tôi, chết trận, được chôn đâu đó trên đất Hungary; còn bà nội người Belarus, mẹ của bố tôi, chết vì bệnh sốt phát ban trong hàng ngũ du kích; hai trong số các con trai của bà đi lính và mất tích ngay từ những tháng đầu cuộc chiến, trong ba người con của bà chỉ có một người trở về. Là bố tôi. Mười một người bà con xa cùng với con cái họ bị quân Đức thiêu sống - người thì trong nhà mình, người thì trong nhà thờ của thôn. Trong mỗi gia đình đều như thế. Hết thảy mọi người.
Bọn trẻ trai nông thôn rất lâu sau vẫn còn chơi trò “quân Nga - quân Đức”. Chúng hô lớn những câu tiếng Đức: “Hände Hoch!” (Giơ tay lên), “Zurüch!” (Lui lại), “Hitler Kaputt!” (Hitler đã chết).
Chúng tôi không biết gì về một thế giới không có chiến tranh, thế giới chiến tranh là thế giới duy nhất mà chúng tôi biết, và những con người của chiến tranh là những người quen biết duy nhất của chúng tôi. Đến tận bây giờ tôi cũng không biết một thế giới nào khác và những con người nào khác. Liệu họ đã từng tồn tại vào một lúc nào đó không nhỉ?

***
Thôn xóm tuổi thơ của tôi sau chiến tranh là làng quê “phụ nữ”. Toàn các bà. Tôi không nhớ nổi giọng nói của đàn ông. Điều đó vẫn đọng lại trong tôi: các bà kể chuyện chiến tranh. Họ khóc. Họ hát cũng tựa như đang khóc.
Trong thư viện nhà trường một nửa số sách là viết về chiến tranh. Cả trong thư viện nông trang cũng như thư viện huyện, nơi bố tôi thường tới mượn sách. Giờ đây tôi đã có câu trả lời cho câu hỏi vì sao. Chẳng lẽ là tình cờ ư? Chúng tôi đã luôn chiến đấu và chuẩn bị cho chiến tranh. Người ta hồi tưởng lại mình đã chiến đấu ra sao. Họ chẳng bao giờ sống khác đi, mà có lẽ cũng chẳng biết sống khác đi. Chúng tôi không hình dung được làm cách nào sống theo lối khác, chúng tôi sẽ còn phải học lâu dài.
Ở trường học người ta dạy chúng tôi biết yêu cái chết. Chúng tôi viết luận văn về đề tài chúng tôi sẵn sàng chết nhân danh điều gì... Chúng tôi mơ mộng...
Còn những tiếng nói ngoài đường phố kêu gọi điều khác, hấp dẫn hơn.
Rất lâu, tôi từng là con người của sách vở, một con người bị hiện thực đe dọa và lôi cuốn. Do thiếu hiểu biết cuộc sống mà sinh ra không biết khiếp sợ. Giờ đây tôi nghĩ: giả như mình là người hiện thực hơn, liệu mình có dám lao xuống vực thẳm như thế này hay không? Tất cả chuyện này là do đâu - do thiếu hiểu biết? Hay là do cảm giác định hướng? Cảm giác định hướng quả là có...
Tôi tìm kiếm khá lâu... Có thể dùng ngôn từ nào để truyền tải cho những điều tôi đã nghe được? Tôi tìm kiếm thể loại đáp ứng được những điều mình nhìn nhận thế giới, thích hợp với những gì mắt thấy tai nghe.
Một lần tôi có trong tay cuốn sách “Tôi từ xóm thôn khói lửa” của Adamovich, Bryl, Kolesnik. Tôi đã trải nghiệm sự xúc động mãnh liệt y hệt như hồi đọc Dostoevsky. Ở đây là một hình thức khác thường: cuốn tiểu thuyết được tập hợp từ những giọng kể của chính cuộc sống, từ những gì tôi đã được nghe thuở còn thơ, từ những gì lúc này đang vang vọng ngoài phố, trong nhà, trong quán cà phê, trên xe điện. Thế đấy! Vòng tròn khép lại. Tôi đã tìm thấy điều mình cất công tìm kiếm. Tôi đã linh cảm điều này.
Ales Adamovich trở thành người thầy của tôi...

***
Hai năm trời, bao nhiêu lần gặp gỡ và ghi chép là bấy nhiêu lần tôi suy nghĩ. Tôi đọc đi đọc lại. Cuốn sách của tôi sẽ viết về điều gì? Hừm, lại một cuốn về chiến tranh... Để làm gì? Đã từng có hàng ngàn cuộc chiến - lớn có, nhỏ có, vô danh có, nổi tiếng có. Và người ta sẽ còn viết nhiều về chúng. Tuy nhiên... Đàn ông viết về chúng và chúng nói về đàn ông - điều này thật dễ hiểu. Tất cả những gì chúng ta biết về chiến tranh đều do đàn ông kể lại. Chúng ta là tù nhân của những hình ảnh “đàn ông” và những xúc cảm “đàn ông” về chiến tranh. Ngôn từ “đàn ông”. Còn phụ nữ thì lặng thinh. Không một ai ngoài tôi ra hỏi chuyện bà tôi. Hỏi chuyện mẹ tôi. Kể cả những người từng ra trận cũng im lặng. Giả như đột nhiên nhớ lại thì họ cũng không kể về cuộc chiến của “phụ nữ”, mà về cuộc chiến của “đàn ông”. Cứ như thể họ tuân theo giáo luật. Và chỉ khi ở nhà, hoặc trong nhóm đồng đội thời ngoài mặt trận với nhau, họ mới nói về cuộc chiến của mình, một cuộc chiến tôi chưa từng biết. Không phải mình tôi mà là tất cả chúng ta. Trong những chuyến đi làm báo của mình, không ít lần tôi từng là nhân chứng, người nghe duy nhất của những lời kể hoàn toàn mới lạ. Tôi đã xúc động sâu sắc như hồi còn thơ ấu. Trong những chuyện kể thấp thoáng nanh vuốt quái thú của những điều bí ẩn... Khi phụ nữ cất tiếng nói, trong câu chuyện của họ không có hay hầu như không có những điều ta quen đọc hoặc quen nghe: những người đã anh dũng giết những người khác và thắng trận. Hoặc là những kẻ thua cuộc. Kĩ thuật tác chiến nào và những vị tướng nào. Phụ nữ nói những thứ khác về những chủ đề khác. Cuộc chiến “phụ nữ” có những sắc thái riêng, mùi vị riêng, góc chiếu riêng và không gian cảm xúc riêng của nó. Ngôn từ riêng của nó. Ở đó không có những anh hùng và những chiến công hiển hách, ở đó đơn giản chỉ có những con người phải thực hiện cái công cuộc phi nhân của nhân loại. Và ở đó, không chỉ mỗi họ (con người!) phải chịu đau khổ, mà cả đất đai, chim chóc, cây cỏ. Tất cả những gì sống cùng với ta trên trái đất. Chúng chịu khổ đau chẳng thốt được một lời, còn gì khủng khiếp hơn nữa chứ.
Song vì sao cơ? - nhiều lần tôi tự hỏi mình. - Vì sao sau khi đấu tranh và giành được vị trí của mình trong một thế giới một thời vốn chỉ thuộc về đàn ông, phụ nữ đã không bảo vệ lịch sử của mình? Ngôn từ của mình và cảm xúc của mình? Vì sao họ không có lòng tin ở chính họ? Cả một thế giới bị che khuất trước chúng ta. Cuộc chiến tranh của họ vẫn còn chưa được biết...
Tôi muốn viết về lịch sử cuộc chiến tranh ấy. Lịch sử của phụ nữ.


[1] Osip Mandelstam (1891-1938), nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, dịch giả, một trong những nhà thơ lớn của văn học Nga thế kỉ XX, gốc Do Thái - Ba Lan, bị bắt và chết trong trại cải tạo ở Vladivostok dưới thời Stalin, câu thơ trên trích từ “Bài thơ về người chiến sĩ vô danh”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét