Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

CHIẾN TRANH KHÔNG MANG KHUÔN MẶT PHỤ NỮ (004)





MƯỜI BẢY NĂM SAU
2002-2004

Tôi đọc lại nhật kí cũ của mình...
Tôi cố nhớ lại cái người là tôi lúc bấy giờ khi viết cuốn sách này. Con người ấy đã không còn, và thậm chí đất nước mà chúng ta đã sống thời ấy giờ cũng không còn. Thế mà người ta đã bảo vệ và bỏ mình vì đất nước ấy vào những năm 1941-1945. Ngoài cửa sổ mọi thứ đều đã khác: thiên niên kỉ mới, những cuộc chiến tranh mới, những tư tưởng mới, những vũ khí mới và con người Nga (chính xác hơn là Nga Xô-viết) đã thay đổi hoàn toàn không thể nào ngờ.
Bắt đầu thời kì đổi mới của Gorbachev... Sách của tôi được cho in ạt với số lượng đáng kinh ngạc - hai triệu bản. Đã có một thời nhiều sự việc gây chấn động đã diễn ra, chúng ta lại hung hăng lao đi. Lại hướng về tương lai. Chúng ta còn chưa biết (hoặc là đã quên) rằng cách mạng luôn là một ảo tưởng, nhất là trong lịch sử của chúng ta. Tuy nhiên, hồi sau sẽ rõ, chứ lúc đó mọi người còn đang say sưa với bầu không khí tự do. Mỗi ngày tôi nhận được hàng chục bức thư, những cặp giấy tờ của tôi căng phồng. Người ta muốn nói... Muốn nói hết... Họ trở nên tự do và cởi mở hơn. Tôi không còn nghi ngờ gì là mình không thể nào tránh khỏi phải viết thêm sách. Không phải viết lại, mà là viết thêm. Đặt dấu chấm hết và nó biến thành dấu chấm lửng...

***
Tôi nghĩ rằng có lẽ ngày nay tôi sẽ nêu ra những câu hỏi khác và sẽ được nghe những câu trả lời khác. Và tôi sẽ viết một cuốn sách khác, không hoàn toàn khác biệt, song dẫu sao vẫn khác. Những tư liệu (mà tôi sử dụng) là những nhân chứng sống, chúng không khô cứng lại như đất sét thành gốm. Chúng không câm lặng. Chúng cử động cùng với chúng ta. Bây giờ tôi muốn hỏi nhiều hơn về điều gì? Muốn bổ sung điều gì? Tôi rất quan tâm đến... tôi đang tìm từ đ diễn đạt... đến con người sinh học, chứ không phải con người của thời đại và của tư tưởng. Tôi cố nhìn sâu vào tận cùng bản chất của con người, vào phần tối, vào tiềm thức. Vào điều bí ẩn của chiến tranh.
Tôi viết về chuyện mình đã đến gặp một cựu nữ du kích... Một phụ nữ đẫy đà nhưng hãy còn đẹp - và bà kể cho tôi nghe nhóm của bà (bà lớn tuổi nhất và hai người trẻ hơn) đi trinh sát và tình cờ bắt được bốn tù binh Đức. Họ đi lòng vòng quanh rừng khá lâu. Rồi bị phục kích. Rõ ràng là nếu cứ dây dưa với đám tù binh thì họ không chọc thủng vòng vây được, không thoát được, thế rồi bà ấy quyết định phải thủ tiêu tù binh. Hai người trẻ không thể giết tù binh được rồi: đã mấy ngày nay họ đi cùng trong rừng, nếu ta lâu với một người, kể cả người lạ, thì thế nào ta cũng trở nên quen với người ấy, trở nên gần gũi - ta biết người ấy ăn ra sao, ngủ thế nào, mắt mũi, tay chân trông thế nào. Không, bọn trẻ không làm được. Bà ấy hiểu ngay điều đó. Nghĩa là bà ấy phải giết tù binh. Và bà nhớ lại đã giết họ ra sao. Phải đánh lừa lần lượt từng người. Vờ cùng một từ binh Đức đi lấy nước rồi bắn từ đằng sau. Bắn vào gáy. Với người khác thì ra lệnh đi kiếm củi... Tôi rùng mình, sao bà có thể bình thản kể lại như vậy được.
Những ai từng tham gia chiến tranh đều hồi tưởng là chỉ sau ba ngày con người dân sự sẽ biến thành con người quân sự. Vì sao chỉ cần ba ngày là đ? Hay đó cũng là huyền thoại? Chắc thế. Con người trong chiến tranh càng thấy lạ lẫm và khó hiểu.
Trong tất cả thư từ nhận được tôi đều thấy: “Hồi đó tôi chưa kể hết cho cô, bởi vì đó là thời khác. Chúng tôi đã quen với việc im lặng nhiều rồi...”, “Tôi chưa hoàn toàn tin cô. Cách đây chưa lâu nói về chuyện đó là điều cấm kị. Hoặc là tôi thấy xấu hổ”, “Tôi đã biết chẩn đoán của bác sĩ: căn bệnh khủng khiếp lắm rồi... Tôi muốn kể hết sự thật...”
Gần đây có một bức thư thế này: “Bọn già chúng tôi sống rất khó khăn... Song không phải chúng tôi đau khổ vì mấy đồng tiền hưu còm cõi và nhục nhã. Điều tổn thương nhất là chúng tôi đã bị xua đuổi khỏi cái quá khứ hào hùng đ vào cái hiện tại nhỏ mọn không thể chịu nổi. Không còn ai gọi chúng tôi đến nói chuyện trường học, bảo tàng, chúng tôi chẳng còn cần thiết cho ai nữa. Nếu đọc báo thì chỉ thấy bọn phát xít ngày càng cao sang, còn lính hồng quân thì ngày càng khủng khiếp”.
Thời gian cũng như tổ quốc... Song tôi vẫn yêu họ như xưa. Không yêu thời của họ mà là yêu con người họ.

***
Mọi thứ đều có thể trở thành văn học...
Thứ tôi quan tâm nhất trong tư liệu lưu trữ của mình là cuốn sổ tay, trong đó ghi chép những đoạn bị kiểm duyệt cắt bỏ. Và những cuộc nói chuyện với người kiểm duyệt. Ngoài ra, còn những trang tôi tự cắt bỏ. Tự kiểm duyệt, điều cấm kị của riêng tôi. Và những giải thích của tôi về lí do cắt bỏ. Nhiều chỗ này khác đã được khôi phục lại trong sách, song một số trang sau đây tôi muốn tách riêng - đó là tư liệu. Đấy là cách của tôi.

NHỮNG CHỖ BỊ KIỂM DUYỆT


“Bây giờ cứ nửa đêm là tôi tỉnh giấc... Cứ như là có người... đang khóc bên cạnh... Như tôi hồi chiến tranh...
Chúng tôi rút lui... Qua khỏi Smolensk có một phụ nữ đem cho tôi chiếc váy của bà, tôi còn kịp thay nó. Tôi đi một mình... chung quanh toàn đàn ông con trai. Khi thì tôi mặc quần, khi thì áo váy mùa hè. Đột nhiên chuyện ấy xảy ra với tôi... Chuyện phụ nữ ấy mà... Có sớm, có lẽ là do hồi hộp lo lắng. Do xúc động, do giận dữ. Sao lại bị đúng lúc này nhỉ? Thật là xấu hổ! Tôi thấy xấu hổ quá chừng! Chúng tôi ngủ trong những bụi cây, trong những mương rãnh, trên những gốc cây trong rừng. Chúng tôi đông đến mức trong rừng cũng không đủ chỗ cho cả bọn. Chúng tôi đi như những kẻ hoang mang, bị đánh lừa và không còn biết tin ai... Máy bay của chúng ta đâu, xe tăng của chúng ta đâu? Những thứ gì bay, bò lổn ngổn, gầm rú - đều của quân Đức.
Tôi bị bắt làm tù binh trong tình trạng đó. Ngay hôm trước khi bị bắt còn bị gẫy cả hai chân... Tôi nằm im không hé răng... Tôi còn không biết sức mạnh nào khiến mình bò được vào rừng để trốn lúc nửa khuya. Quân du kích tình cờ bắt gặp tôi...
Tôi lấy làm tiếc cho những ai đọc cuốn sách này, và cho cả những ai không đọc...”

“Tôi trực ca đêm... Tôi vào phòng thương binh loại nặng. Có một đại úy nằm ở đó... Trước khi nhận ca các bác sĩ đã báo cho tôi biết là đêm nay anh ấy sẽ chết. Không trụ nổi đến sáng... Tôi hỏi anh ấy: “Nào, anh thấy sao rồi? Tôi có thể giúp gì cho anh?” Suốt đời tôi sẽ không quên. Đột nhiên anh ấy mỉm cười, một nụ cười rạng rỡ trên gương mặt đã kiệt quệ: “Cô mở nút áo ra... Cho tôi xem ngực một chút... Đã lâu rồi tôi chưa gặp vợ tôi...” Tôi quá bối rối, thậm chí tôi còn chưa biết hôn nhau là gì. Tôi lúng búng trả lời gì đó. Tôi chạy ra ngoài khoảng một giờ sau mới quay lại.
Anh ấy đã chết. Nụ cười ấy vẫn nguyên vẹn trên gương mặt...”

“Ngoại ô Kerch... Vào đêm bị pháo kích chúng tôi đang đi trên sà lan. Phần mũi bị cháy... Lửa tràn lên boong. Đạn dược phát nổ... Tiếng nổ khủng khiếp! Vụ nổ mạnh đến mức sà lan nghiêng hẳn sang bên phải rồi bắt đầu chìm. Bờ cách đó không xa lắm, chúng tôi biết bờ khá gần đâu đó, lính tráng nhảy hết xuống nước. Từ phía bờ vang lên tiếng súng máy. Tiếng gào la, tiếng rên rỉ, tiếng chửi thề... Tôi bơi rất giỏi, tôi muốn cứu một người nữa. Kể cả một người bị thương cũng được... Đây là dưới nước, không phải trên bờ, người bị thương sẽ chết ngay. Tôi lặn gần đến đáy... Tôi nghe như có ai đó bên cạnh đang trồi lên rồi lại chìm xuống. Trồi lên rồi chìm xuống. Tôi chờ đúng thời điểm rồi tóm lấy người đó... Thứ gì đó lành lạnh, trơn trượt... Tôi cho rằng đấy là người bị thương và quần áo đã bị vụ nổ thổi bay. Vì chính tôi cũng gần như trần truồng... Chỉ còn đồ lót... Tối đen như mực. Có mắt cũng như mù. Xung quanh là những tiếng: “Ê! Ối!” Chửi thề loạn xạ... Rồi tôi với người kia cũng ngoi được lên bờ... Trên bầu trời trong giây lát lóe lên ánh hỏa tiễn, lúc đó tôi mới phát hiện mình đã kéo một con cá bị thương lên bờ. Còn cá lớn như người. Một con cá tầm... Nó chết ngay... Tôi vật xuống bên cạnh nó và chửi thề vung trời. Tôi khóc vì cay đắng. Vì những con người đau khổ...”

“Chúng tôi bị bao vây... Biết chạy đường nào, quân Đức ở khắp nơi. Chúng tôi quyết định: rạng sáng sẽ chiến đấu để mở đường máu. Đằng nào cũng chết, tốt hơn hết là chết sao cho xứng đáng. Trong chiến đấu. Chỗ chúng tôi có ba cô gái. Ban đêm họ đi với bất cứ ai có thể... Dĩ nhiên là không phải ai cũng có thể. Vấn đề tâm lí, cô biết đấy. Chuyện là thế... Ai cũng chuẩn bị để chết.
Đến sáng còn vài người sống sót... Rất ít... Trước đó là 50, còn 7 người là không bị súng máy của quân Đức nghiền nát... Tôi nhớ đến những cô gái của chúng tôi với lòng biết ơn. Tới sáng không thấy một cô nào giữa những người sống sót... Không còn bao giờ được gặp lại họ...”

TRÍCH CUỘC TRAO ĐỔI VỚI NGƯỜI KIỂM DUYỆT

- Còn ai sẽ đi chiến đấu sau khi đọc những sách này? Cô hạ thấp phụ nữ với cái thứ chủ nghĩa tự nhiên nguyên thủy của cô. Người phụ nữ anh hùng. Cô làm ô danh họ. Cô biến họ thành người phụ nữ bình thường. Một con cái. Mà ở ta họ là những nữ thánh.
- Chủ nghĩa anh hùng của chúng ta là vô trùng, nó không muốn bị coi là sinh lí học cũng như sinh học. Nó không tin những điều ấy. Không chỉ có tinh thần bị thử thách, mà cả cơ thể nữa. Cái vỏ vật chất của con người.
- Cô moi đâu ra những tư tưởng ấy chứ? Những thứ xa lạ. Không phải tư tưởng Xô-viết. Cô chế giễu những người trong nấm mồ tử sĩ. Cô bị lậm Remarque rồi... Ở ta chủ nghĩa Remarque không tồn tại được đâu. Phụ nữ Xô-viết không phải là con vật...

***
“Có kẻ bán đứt chúng tôi... Bọn Đức biết nơi đóng quân của đội du kích. Chúng bao vây khu rừng và các ngả vào từ mọi hướng. Chúng tôi trốn trong cánh rừng rậm hoang vu, đầm lầy cứu chúng tôi, bọn Đức không bén mảng tới đó. Đầm lầy. Nó nuốt chửng cả con người lẫn cơ giới. Suốt nhiều tuần, chúng tôi đứng cả ngày trong bùn, nước đến cổ. Cùng chúng tôi có một nữ điện báo viên. Cô ấy sinh con chưa được bao lâu. Đứa bé khát sữa... Đòi bú... Song người mẹ còn đói ăn, làm gì có sữa, và đứa bé khóc. Quân Đức rất gần... Đem theo chó nữa. Bọn chó mà nghe được thì toi hết. Cả đội gồm ba chục người... Cô có hiểu không?
Đội trưởng quyết định...
Không ai dám truyền đạt lệnh của chỉ huy, nhưng người mẹ tự đoán ra. Cô ấy nhấn chìm cái gói quấn đứa bé xuống nước và giữ thật lâu dưới đó... Đứa bé thôi khóc. Tịnh không còn một tiếng. Chúng tôi không thể ngước mắt lên nổi. Không dám nhìn người mẹ, không dám nhìn nhau...”

“Chúng tôi bắt được tù binh, đưa chúng về đội... Chúng tôi không xử bắn, một cái chết quá nhẹ nhàng cho chúng, chúng tôi xiên chúng như những con lợn bằng que thông nòng súng, cắt chúng thành từng mảnh. Tôi đã đi xem cảnh này... Đã chờ đợi! Chờ rất lâu đến thời khắc khi mắt chúng lồi ra vì đau đớn... Những đồng tử mắt...
Cô biết gì chuyện này?! Chúng đã thiêu sống mẹ và các em gái tôi trong đám cháy giữa thôn...”

“Trong chiến tranh tôi không nhớ mèo hay chó gì hết, mà chỉ nhớ chuột. Chúng lớn lắm... Những đôi mắt màu vàng xanh... Nhiều vô kể, thoắt ẩn thoắt hiện. Lúc tôi bình phục sau khi bị thương, quân y viện gửi trả tôi về đơn vị. Đơn vị tôi đóng dưới chiến hào ngoại ô Stalingrad. Chỉ huy ra lệnh: “Đưa cô ấy về hầm của nữ.” Tôi bước vào hầm và trước tiên là vô cùng ngạc nhiên vì ở đó chẳng có đồ vật gì. Những chiếc giường trống bên trên phủ những nhánh thông, chỉ có thế. Không ai cảnh báo cho tôi... Tôi bỏ ba lô của mình xuống và ra ngoài, khoảng nửa giờ sau quay lại thì ba lô đã biến mất. Không còn dấu vết gì, lược mất, bút chì cũng mất. Có lẽ lũ chuột đã ngấu nghiến hết trong tích tắc...
Sáng ra chúng cho tôi thấy những bàn tay bị gặm nham nhở của những thương binh nặng...
Ngay cả trong bộ phim kinh dị nhất tôi cũng không thấy lũ chuột bỏ đi khỏi thị trấn trước giờ đánh bom. Đấy không phải ở Stalingrad... Mà ở đâu đó gần Vyazma... Buổi sáng, lũ chuột chạy đầy thị trấn, chúng bỏ đi về phía cánh đồng. Chúng đánh hơi được mùi chết chóc. Hàng ngàn con... Lông đen, lông xám... Người dân kinh hoàng chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp ấy và rúc vào nhà. Đúng thời điểm lũ chuột biến mất khỏi tầm nhìn chúng tôi, vụ đánh bom bắt đầu. Máy bay lượn đầy. Thay vì nhà cửa và tầng hầm chỉ còn lại đống gạch cát đổ nát...”

“Trận Stalingrad có nhiều người chết đến mức những con ngựa không còn sợ xác người nữa. Thường thì chúng sợ. Ngựa không bao giờ dám giẫm lên xác người. Chúng tôi đi gom thi thể quân ta, còn xác quân Đức vương vãi khắp nơi. Đông cứng... Đóng băng... Tôi là lính lái xe, chở những thùng đạn pháo, tôi nghe thấy tiếng xương sọ của quân Đức kêu lách tách dưới bánh xe... Tiếng xương người... Và tôi đã thấy vui...”

TRÍCH CUỘC TRAO ĐỔI VỚI NGƯỜI KIỂM DUYỆT

“Phải, chúng ta đã khó nhọc lắm mới giành được Chiến thắng, nhưng cô nên tìm ra những tấm gương anh hùng. Có cả hàng trăm. Thế mà cô trưng ra toàn rác rưởi của chiến tranh. Mấy thứ quần áo lót. Với cô Chiến thắng của ta thật kinh khủng... Cô muốn đạt được điều gì?
“Sự thật.”
“Cô tưởng rằng sự thật là những gì có trong cuộc sống ư. Những gì ở ngoài đường phố. Dưới chân cô ư. Đối với cô nó thấp kém đến thế thôi sao. Trần tục. Không đâu, sự thật là những gì chúng ta đang mơ ước. Chúng ta muốn trở thành như thế!

***
“Quân ta phản công... Những khu định cư Đức đầu tiên... Chúng tôi còn trẻ. Sung sức. Bốn năm trời không có phụ nữ. Rượu vang dưới tầng hầm. Đồ nhắm. Chúng tôi bắt con gái Đức và... Mười đứa hiếp một cô... Không đủ phụ nữ, dân chúng chạy trốn quân đội Xô-viết, chúng tôi bắt những đứa non choẹt. Còn thiếu nữ... Mười hai mười ba tuổi... Nếu khóc thì chúng tôi đánh, nhét giẻ vào miệng. Nó đau, còn chúng tôi thấy buồn cười. Đến giờ tôi cũng không hiểu sao mình lại có thể... Một thằng con trai xuất thân từ gia đình trí thức... Nhưng đấy đúng là tôi...
Điều duy nhất chúng tôi sợ là các cô gái của chúng tôi biết được. Các cô y tá của chúng tôi. Chúng tôi xấu hổ trước họ...”

“Chúng tôi bị bao vây... Chúng tôi lang thang trong rừng, trong khu đầm lầy. Ăn lá cây, vỏ cây. Rễ cây các loại. Chúng tôi gồm năm người, một đứa hãy còn trẻ con, mới nhập ngũ. Ban đêm một người bên cạnh rỉ tai tôi: “Thằng bé còn thoi thóp, đằng nào nó cũng chết. Cậu hiểu chứ...” - “Ý cậu là gì?” - “Một cựu tù đã kể với tôi... Lúc trốn trại họ đã cố tình dẫn theo một người trẻ tuổi... Thịt người có thể ăn được... Nhờ thế mà họ sống sót...”
Chẳng còn sức đâu mà đánh anh ta. Sáng hôm sau chúng tôi gặp du kích...”

“Ban ngày quân du kích cưỡi ngựa về thôn. Họ lôi trưởng thôn và con trai ông ta ra khỏi nhà. Dùng cây sắt quất vào đầu họ cho đến khi ngã gục. Rồi giết chết họ dưới đất. Tôi ngồi bên cửa sổ. Nhìn thấy hết... Trong đám du kích có anh trai tôi... Khi anh vào nhà và muốn ôm tôi: “Em gái bé bỏng!” - tôi hét lên: “Không được lại gần! Đừng lại gần! Đồ sát nhân!” Rồi câm bặt luôn. Cả tháng không nói nửa lời.
Anh tôi đã hi sinh... Chuyện gì xảy ra nếu như anh ấy còn sống? Nếu như trở về nhà...”

“Buổi sáng quân tiễu phạt đốt thôn chúng tôi... Chỉ những ai chạy vào rừng là còn sống sót. Chúng tôi chạy chẳng mang theo gì, chỉ có tay không, thậm chí bánh mì cũng không cầm theo. Không trứng, không mỡ lợn muối. Ban đêm cô Nastya, hàng xóm của chúng tôi, đánh con gái cô vì nó cứ khóc suốt. Cô Nastya có năm đứa con. Yulechka, bạn tôi, là đứa yếu ớt nhất. Nó ốm suốt... Bốn đứa con trai đều còn nhỏ, chúng cứ đòi ăn. Cô Nastya phát điên cứ rú lên: “U-u-u... U-u-u...” Ban đêm tôi nghe thấy... Yulechka van xin: “Mẹ ơi, đừng nhấn nước con. Con không dám nữa... Con không dám đòi ăn nữa. Không dám nữa...”
Sáng hôm sau không ai còn thấy Yulechka nữa...
Còn cô Nastya... Chúng tôi trở về thôn, chỉ còn tro tàn... Thôn đã cháy rụi. Chẳng bao lâu sau, cô Nastya treo cổ trên cây táo cháy đen trong vườn. Thi thể cô treo rũ xuống thấp. Bọn trẻ đứng quanh cô và đòi ăn...”

TRÍCH CUỘC TRAO ĐỔI VỚI NGƯỜI KIỂM DUYỆT

“Đó là dối trá! Đó là sự bôi nhọ người chiến sĩ của chúng ta, những người đã giải phóng một nửa châu Âu. Bôi nhọ du kích quân của chúng ta. Bôi nhọ nhân dân anh hùng của chúng ta. Chúng tôi không cần câu chuyện nhỏ của cô, chúng tôi cần câu chuyện lớn. Lịch sử Chiến thắng. Tư tưởng Marx - Lenin.”
“Phải, tôi không yêu những tư tưởng vĩ đại. Tôi yêu con người nhỏ bé...”

NHỮNG GÌ CHÍNH TÔI ĐÃ LOẠI BỎ

“Năm 1941... Chúng tôi bị bao vây... Trong đám chúng tôi có chính ủy Lunin... Ông đọc một mệnh lệnh nói rằng chiến sĩ Xô viết không được đầu hàng kẻ thù. Như đồng chí Stalin đã nói, chúng ta không có tù binh, mà chỉ có bọn phản bội. Đám trẻ đã chuẩn bị rút súng lục ra... Chính ủy ra lệnh: “Không cần thiết. Hãy sống đi, bọn nhóc, các cậu còn trẻ.” Còn ông thì tự sát...

Năm 1943... Quân đội Xô viết chuyển sang phản công. Chúng tôi hành quân qua Belarus. Tôi nhớ một cậu bé. Từ một hầm trú ẩn nào đó dưới mặt đất vừa lao về phía chúng tôi vừa hét: “Giết mẹ tôi đi... Giết đi! Bà ấy đã ngủ với bọn Đức...” Mắt cậu trợn tròn vì khiếp đảm. Một bà già đen nhẻm chạy theo cậu. Đen từ đầu đến chân. Vừa chạy vừa làm dấu thánh: “Đừng nghe lời trẻ con. Trẻ con không biết kính Chúa...”

“Tôi được gọi đến trường... Cô giáo ở chỗ sơ tán về muốn nói chuyện với tôi:
“Tôi muốn chuyển con trai chị sang lớp khác. Lớp của tôi dành cho những học sinh giỏi nhất.”
“Nhưng con tôi được toàn điểm 5.”
“Không quan trọng. Cậu bé đã sống trong vùng Đức chiếm đóng.”
“Vâng, chúng tôi đã rất khó khăn.”
“Đấy không phải là điều tôi muốn nói. Tất cả những người ở vùng chiếm đóng... Họ đều là những đối tượng tình nghi...”
“Sao cơ? Tôi không hiểu...”
“Nó kể chuyện quân Đức cho bọn trẻ. Nó bị tật nói lắp.”
“Đó là vì nó sợ. Nó đã bị một sĩ quan Đức đóng trong nhà chúng tôi đánh. Hắn không hài lòng về chuyện con tôi đánh giày cho hắn chưa sạch.”
“Chị thấy đấy... Chính chị thú nhận... Chị đã sống cạnh kẻ thù...”
“Vậy ai đã để cho bọn kẻ thù ấy kéo đến tận Moskva? Ai đã bỏ chúng tôi với con cái ở lại đấy?”
Tôi bị lên cơn kích động...
Hai ngày trời tôi lo sợ cô giáo sẽ tố giác tôi. Nhưng cô đã để con tôi ở lại lớp của cô ấy...”

“Ban ngày chúng tôi sợ bọn Đức và bọn Nga gian, còn đêm thì sợ du kích. Du kích đã tịch thu con bò cuối cùng của tôi, chúng tôi còn mỗi con mèo. Du kích bị đói nên hung dữ. Họ dẫn con bò đi, còn tôi đi theo họ... Cả mười cây số. Tôi van xin họ trả lại. Tôi còn ba đứa trẻ đói ở nhà trên bệ lò sưởi. “Bà về đi!” Họ đe dọa. “Không là chúng tôi bắn đó.”
Cô thử tìm được một người tốt trong chiến tranh xem nào...
Toàn là quân ta hại quân mình. Con cái địa chủ từ nơi lưu đày trở về. Bố mẹ chúng đã chết, còn chúng phục vụ chính quyền Đức. Chúng trả thù. Một đứa đã bắn chết ông thầy giáo già tại nhà ông. Hàng xóm của chúng tôi. Ngày trước ông này đã tố giác bố hắn, thời đánh địa chủ. Một người cộng sản cuồng nhiệt.
Lúc đầu quân Đức giải tán nông trang, phân phát đất cho người dân. Dân tình thở phào sau thời Stalin. Chúng tôi nộp tô... Nộp đầy đủ đúng hạn... Sau đó chúng thiêu chúng tôi. Chúng tôi và nhà cửa chúng tôi. Gia súc thì lùa đi, còn người thì thiêu sống.
Ôi, con gái à, tôi sợ ngôn từ. Ngôn từ thật khủng khiếp... Tôi được cái thiện cứu rỗi, không muốn làm điều ác với ai. Tôi thương xót mọi người...”

“Tôi cùng quân ta tiến đến tận Berlin...
Tôi trở về quê với hai huân chương Vinh quang và nhiều huy chương. Tôi ở đấy ba ngày, đến ngày thứ tư mẹ tôi dựng tôi dậy thật sớm khi mọi người còn đang ngủ: “Này con gái, mẹ đã chuẩn bị đồ đạc cho con. Con đi đi... Đi khỏi đây... Con còn hai đứa em gái đang lớn. Ai dám lấy chúng nó chứ? Mọi người đều biết con đã ở ngoài mặt trận bốn năm, với toàn đàn ông...”
Đừng động chạm đến nỗi lòng của tôi. Cô cứ viết, như những người khác, về những chiếc huy chương của tôi...”

“Trong chiến tranh, như trong chiến tranh. Không phải trong rạp hát...
Đội ngũ được triệu tập ngoài bìa rừng, chúng tôi đứng thành vòng tròn. Ở giữa là Misha K. và Kolya M. - đồng đội của chúng tôi. Misha là một trinh sát dũng cảm, hay chơi harmonica. Còn Kolya thì hát rất hay, không ai bằng...
Bản án được đọc khá lâu: tại thôn nọ họ đòi hai chai rượu nấu, còn ban đêm thì cưỡng hiếp con gái chủ nhà... Tại thôn kia thì tịch thu áo bành tô và máy khâu của nông dân láng giềng rồi nướng hết vào việc rượu chè...
Án là xử bắn... Bản án là tối hậu và không được quyền khiếu nại.
Ai sẽ bắn họ? Cả đội im lặng... Ai? Chúng tôi đều im lặng... Đội trưởng phải trực tiếp thi hành bản án...”

“Tôi là xạ thủ súng máy. Tôi đã giết bao nhiêu người...
Sau chiến tranh, rất lâu sau tôi vẫn sợ sinh con. Tôi sinh con khi đã nguôi ngoai đôi chút. Sau bảy năm...
Song đến nay tôi vẫn còn chưa thể tha thứ được... Tôi sẽ không tha thứ... Tôi đã vui mừng khi thấy tù binh Đức. Tôi vui mừng khi bọn họ trông thật thảm hại: chân quấn xà cạp thay cho giày, đầu quấn vải... Người ta giải họ qua làng, họ van vỉ: ‘Mẹ ơi, cho xin chút bánh mì... Bánh mì...’ Tôi sửng sốt, các bà nông dân ra khỏi nhà và cho họ, người thì mẩu bánh mì, người thì củ khoai tây... Bọn trẻ trai chạy theo đoàn người và ném đá... Còn phụ nữ thì khóc...
Tôi có cảm giác mình đã trải qua hai cuộc sống: một của đàn ông và một của phụ nữ...”

“Sau chiến tranh... Cuộc sống chẳng đáng là cuộc sống con người chút nào. Lấy một ví dụ... Tôi đi làm về trên xe buýt, bỗng có tiếng la lớn: ‘Ăn trộm, ăn trộm, bắt lấy nó! Túi xách của tôi...’ Xe buýt dừng lại... Chen lấn xô đẩy. Một sĩ quan trẻ lôi tuột một thằng bé xuống đường, bẻ gập tay nó kê lên đầu gối, rồi rắc một cái - gẫy làm đôi! Anh ta lại nhảy lên xe... Rồi xe chúng tôi đi tiếp. Chẳng ai quan tâm đến thằng bé nữa, không gọi cảnh sát. Không gọi bác sĩ. Người sĩ quan ấy trên ngực đầy huy chương... Khi tôi bước ra để xuống bến dừng, anh ta nhảy xuống và chìa tay cho tôi: ‘Mời cô bước ra...’ Ga-lăng đúng mức...
Tôi vẫn còn nhớ đến tận bây giờ... Thời đó chúng tôi vẫn còn là những quân nhân, sống theo luật thời chiến. Chẳng lẽ đó là con người hay sao?”

“Hồng quân đã quay lại...
Chúng tôi được phép đào mộ, tìm kiếm những người thân bị bắn. Theo tục lệ xưa, khi tiếp cận với người chết phải mặc đồ màu trắng - khăn quàng trắng, áo trắng. Tôi sẽ còn nhớ đến hơi thở cuối đời! Mọi người đều đội những chiếc khăn thêu màu trắng... Mặc toàn quần áo trắng... Họ lấy đâu ra chứ?

Chúng tôi đào bới... Ai tìm được thứ gì, nếu nhận ra thì đều nhặt lấy. Một người chở một cánh tay trên xe đẩy, người khác chở một cái đầu trên xe kéo... Thi thể không còn nguyên vẹn trong lòng đất lâu được, mọi thứ đều trộn lẫn với nhau. Với đất sét, với cát.
Tôi không tìm thấy thi thể em gái mình, chỉ có một mảnh áo váy, tôi nghĩ là của nó vì trông quen quen... Ông tôi nói cứ lấy về, cũng có gì đó để mai táng. Chúng tôi đặt mảnh áo váy ấy vào chiếc quan tài nhỏ...
Chúng tôi nhận mảnh giấy thông báo cha tôi đã mất tích. Những người khác đều nhận được khoản tiền tuất cho những người thân đã hi sinh, nhưng ở hội đồng xã người ta dọa mẹ con tôi: “Bà sẽ không được hưởng khoản trợ cấp nào. Có thể ông ấy đang sống phởn phơ với một cô nàng người Đức thì sao. Kẻ thù của nhân dân.”
Tôi bắt đầu đi tìm cha mình dưới thời Khrushyov. Bốn mươi năm sau. Dưới thời Gorbachov, tôi nhận được câu trả lời: “Không có tên trong danh sách...” Nhưng một đồng đội thuộc trung đoàn của ông đã viết cho tôi và tôi được biết cha tôi đã hi sinh anh dũng. Ông đã lao mình cùng với quả lựu đạn vào cỗ xe tăng tại trận Mogilyov...
Tội nghiệp cho mẹ tôi đã không còn sống khi nhận được tin này. Bà đã mất với vết nhơ là vợ của kẻ thù nhân dân. Một kẻ phản bội. Rất nhiều người cũng giống như bà. Họ đã không còn sống đến khi biết được sự thật. Tôi đã đến thăm mộ mẹ với bức thư ấy. Đã đọc nó lên...”

“Nhiều người trong chúng tôi tin rằng...
Chúng tôi nghĩ rằng sau chiến tranh mọi chuyện sẽ thay đổi... Stalin sẽ tin tưởng nhân dân. Nhưng khi chiến tranh còn chưa kết thúc thì những đoàn tàu đã nườm nượp đi Magadan. Những đoàn tàu chở những người chiến thắng... Người ta tống vào trại cải tạo những người từng là tù binh, đã sống sót qua các trại giam của Đức, tất cả những ai bị quân Đức đưa đi lao động, đã nhìn thấy châu Âu. Những ai có thể kể lại bên ấy người ta sống như thế nào. Không có những người cộng sản. Nhà cửa và đường sá trông ra sao. Và nói rằng bên ấy không đâu có nông trường tập thể...
Sau Chiến thắng mọi người đều câm nín. Câm nín và sợ hãi như thời trước chiến tranh...”

“Tôi là giáo viên dạy sử... Theo trí nhớ của tôi thì sách giáo khoa lịch sử được soạn lại ba lần. Tôi đã dạy bọn trẻ theo ba cuốn giáo khoa khác nhau...
Hãy hỏi chính chúng tôi, khi chúng tôi còn sống... Đừng viết lại sau khi chúng tôi đã khuất. Cứ hỏi chúng tôi...
Cô có biết là giết người khó khăn như thế nào không. Tôi đã hoạt động bí mật. Sau nửa năm tôi nhận được nhiệm vụ - đóng vai hầu bàn ở một nhà ăn sĩ quan Đức... Tôi trẻ đẹp... Thế nên người ta nhận tôi. Vào cái ngày trước khi trở lại hàng ngũ du kích, tôi phải bỏ thuốc độc vào nồi súp. Mà tôi đã quen với họ, họ là kẻ thù thật đấy, nhưng hằng ngày ta gặp họ, nghe họ nói: ‘Danke schön... Danke schön...’ (Cám ơn nhiều - tiếng Đức). Thật là khó khăn... Khó mà giết được... Giết chóc còn đáng sợ hơn cái chết...
Cả đời tôi đã dạy sử... Và tôi luôn biết phải kể lại như thế nào. Bằng những lời nào...”

Tôi có cuộc chiến tranh của mình... Tôi đã đi suốt chặng đường dài cùng với những nhân vật nữ của mình. Cũng như họ, suốt một thời tôi đã không tin rằng Chiến thắng của chúng ta có hai khuôn mặt - một rất đẹp đẽ, còn một khuôn mặt khác thật khủng khiếp, chằng chịt vết sẹo - không thể nhìn nổi. “Trong trận đánh giáp la cà, ta giết người và nhìn vào mắt họ. Đó không đơn thuần là thả bom hay nã đạn từ công sự.” - Người ta kể với tôi như vậy.
Nghe người ta kể về việc họ đã giết chóc và đã chết ra sao cũng chính là nhìn vào mắt họ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét