Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

CHIẾN TRANH KHÔNG MANG KHUÔN MẶT PHỤ NỮ (003)



***
Sau những cuộc gặp gỡ đầu tiên...
Thật ngạc nhiên: chuyên môn quân sự của những phụ nữ ấy - lính cứu thương, lính bắn tỉa, chiến sĩ súng máy, khẩu đội trưởng cao xạ, công binh - còn ngày nay họ là nhân viên kế toán, nhân viên phòng thí nghiệm, hướng dẫn viên du lịch, giáo viên... Một sự lệch vai - trước kia và bây giờ. Họ kể lại, cứ như thể không phải về bản thân mình, mà về những cô gái nào khác. Ngày nay tự họ cũng cảm thấy ngạc nhiên. Và trong mắt tôi, lịch sử cũng được “nhân cách hóa”, trở nên giống như đời thường. Xuất hiện một sự soi rọi khác.
Tôi gặp những người kể chuyện thật tài tình, họ có những trang đời có thể sánh với những trang tài hoa nhất của những tiểu thuyết gia cổ điển. Con người thấy rõ bản thân mình vừa từ trên xuống - từ bầu trời, vừa từ dưới lên - từ mặt đất. Trước mắt họ vừa là con đường lên cao vừa là con đường xuống thấp - từ thiên thần tới thú dữ. Hồi tưởng không phải là việc kể lại một cách say sưa hay dửng dưng một hiện thực đã biến mất, mà là sự hồi sinh của quá khứ, khi thời gian quay ngược trở lại. Trước hết đấy là sự sáng tạo. Khi kể chuyện, người ta sáng tác, người ta “viết lại” cuộc đời mình. Cũng có trường hợp người ta “thêm thắt” hoặc “sao chép lại”. Cần phải tỉnh táo. Phải cảnh giác. Vào đúng thời điểm, nỗi đau sẽ nung chảy, hủy hoại mọi sự giả dối. Nhiệt độ quá cao mà! Tôi nhận ra rằng những người bình thường tỏ ra trung thực hơn cả: nữ y tá, cấp dưỡng, thợ giặt... Làm thế nào để xác định điều đó chính xác hơn, họ dùng những từ rút ra từ chính bản thân họ chứ không phải từ báo chí hay sách vở - nghĩa là của người khác. Từ chính nỗi đau và sự dằn vặt của riêng mình. Cảm xúc và ngôn ngữ của những người có học, dẫu điều này thật lạ, thường chịu tác động của thời gian. Của sự mã hóa chung. Bị nhiễm những nhận thức thứ sinh. Những huyền thoại. Thường phải tiếp cận lâu dài, đi nhiều vòng để nghe được câu chuyện về cuộc chiến “phụ nữ” chứ không phải “đàn ông”: họ đã rút lui, đã phản công ra sao, ở những khu vực mặt trận nào... Một lần gặp không thể đủ, phải nhiều buổi hẹn. Như người vẽ chân dung nhẫn nại.
Tôi ngồi lại rất lâu trong nhà hay căn hộ của người chưa quen, đôi khi cả ngày trời. Chúng tôi uống trà, ướm thử chiếc áo mới mua, nói chuyện tóc tai và bếp núc. Cùng xem ảnh cháu chắt. Và chỉ khi đó... Sau một thời gian, không bao giờ biết trước là bao lâu và tại sao, đột nhiên cái thời điểm hằng mong đợi ấy đến, khi người ta rũ bỏ điều cấm kị - bằng thạch cao hay bê tông cốt thép, như những tượng đài của chúng ta - để trở lại với chính mình. Đúng con người mình. Bắt đầu hồi tưởng, không phải về chiến tranh mà là về tuổi trẻ. Một mảng đời mình... Phải biết nắm lấy khoảnh khắc ấy. Đừng để vuột mất! Nhưng thường thì sau một ngày dài đầy ắp những lời nói, những sự kiện, những giọt nước mắt, trong trí nhớ chỉ còn lại một câu duy nhất (nhưng đáng giá biết chừng nào!): “Khi ra trận tôi hãy còn nhỏ xíu, đến nỗi tôi đã lớn lên trong chiến tranh.” Tôi ghi lại câu ấy trong sổ tay, mặc dù hàng chục mét băng đã được ghi âm. Bốn hay năm băng cassette...
Điều gì giúp cho công việc của tôi? Đó là do chúng tôi đã quen sống cùng nhau. Quen trò chuyện trao đổi. Chúng tôi là những người có tín ngưỡng. Chúng tôi có mọi thứ trên đời: cả hạnh phúc lẫn nước mắt. Chúng tôi biết chịu đựng và kể về những nỗi đau. Đau khổ xoa dịu cuộc sống nặng nề và trắc trở của chúng tôi. Với chúng tôi, đau khổ là một nghệ thuật. Tôi phải thú nhận là phụ nữ dũng cảm dấn thân vào con đường đó...

***
Họ đón nhận tôi như thế nào?
Họ gọi tôi là “cô bé”, “con gái”, “bé con”, có lẽ nếu như tôi cùng thế hệ với họ, họ sẽ đối xử với tôi cách khác. Điềm tĩnh và bình đẳng hơn. Không có niềm vui và sự bất ngờ như thường thấy trong cuộc gặp gỡ giữa người già và người trẻ. Đấy là thời điểm rất quan trọng, hồi đó họ còn trẻ và bây giờ đã già và nhớ lại. Hồi tưởng qua cuộc sống - 40 năm về trước. Họ thận trọng hé mở cho tôi thấy thế giới của họ, họ tiếc nuối: “Tôi lấy chồng ngay sau chiến tranh. Lấy chồng để trốn tránh. Sau những bận rộn thường ngày, chuyện con cái. Cố tình trốn tránh. Mẹ tôi bảo: “Im lặng! Im lặng! Không được thú nhận”. Tôi đã làm tròn nghĩa vụ của mình với Tổ quốc, nhưng tôi lấy làm buồn vì tôi đã tham chiến. Tôi biết điều đó... Còn cô lúc ấy chỉ là một đứa trẻ. Tôi lấy làm tiếc cho cô...” Tôi thường thấy họ ngồi trước mặt tôi và lắng nghe chính bản thân mình. Nghe tiếng lòng của họ. Kiểm lại với những lời họ nói. Cùng với tuổi tác người ta hiểu rằng cuộc đời là như thế, và giờ đây phải cam chịu và chuẩn bị ra đi. Đơn giản họ không muốn phải biến đi một cách tức tưởi như thế. Ngẫu nhiên như thế. Thoáng qua như thế. Và khi ngoái lại phía sau, trong con người họ tồn tại một mong muốn không chỉ kể về bản thân mà còn đạt đến bí ẩn của cuộc sống. Mong muốn tự mình trả lời câu hỏi: để làm gì những chuyện đã xảy ra với ta? Họ nhìn tất cả mọi chuyện bằng cái nhìn vĩnh biệt thoáng buồn rầu... Hầu như từ đó... Chẳng cớ gì mà lừa phỉnh người khác và chính bản thân mình. Họ đã hiểu rõ rằng không thể thấy được điều gì trong con người nếu không suy nghĩ về cái chết. Bí ẩn của nó là tối thượng.
Chiến tranh là một trải nghiệm quá riêng tư. Và cũng bất tận như đời sống của nhân loại...
Có lần một phụ nữ (nữ phi công) đã từ chối gặp tôi. Bà giải thích qua điện thoại: “Tôi không thể... Không muốn nhớ lại. Tôi đã trải qua ba năm chiến tranh... Suốt ba năm trời tôi không có cảm giác mình là phụ nữ. Cơ thể tôi ngủ lịm. Không có kinh nguyệt, hầu như không còn bất cứ ham muốn gì của phụ nữ. Mà tôi từng là một cô gái đẹp... Khi chồng tương lai của tôi ngỏ lời cầu hôn... Hồi đó còn ở Berlin trước Reichstag... Anh ấy nói: “Chiến tranh đã kết thúc. Chúng ta còn sống. Thật may mắn. Hãy lấy anh”. Tôi muốn khóc. Muốn hét lên. Muốn đánh anh ấy! Lấy anh là sao chứ? Ngay bây giờ ư? Lấy chồng giữa tất cả những thứ này? Giữa tro tàn và gạch ngói cháy đen... Nhìn tôi cho rõ này... Xem tôi là thứ gì đây! Trước tiên hãy làm cho tôi thành một phụ nữ đã: tặng hoa, tán tỉnh, nói những lời êm đẹp. Tôi mong điều đó biết chừng nào! Mong đến thế! Suýt nữa là tôi cho anh ấy một tát... Tôi muốn đánh anh ấy... Còn anh ấy thì bị bỏng một bên má, còn đỏ sẫm, và tôi thấy anh đã hiểu ra: những giọt nước mắt lăn trên má bị phỏng. Trên vết sẹo còn tươi... Chính tôi còn chẳng tin là mình đã nói: “Được rồi, em sẽ lấy anh”.
Thứ lỗi cho tôi... Tôi không thể...”
Tôi hiểu bà. Song đấy cũng đã đủ thành một trang hay nửa trang của cuốn sách tương lai.
Ghi chép và ghi chép. Những ghi chép ở khắp nơi. Trong những căn hộ ở thành phố và những căn nhà ở thôn quê, ngoài phố, trên tàu hỏa... Tôi lắng nghe... Càng lúc tôi càng hóa thân thành một chiếc tai khổng lồ không ngừng hướng về người khác. Tôi “đọc” những giọng nói...

***
Con người lớn hơn chiến tranh...
Tôi ghi nhớ cụ thể trong hoàn cảnh nào họ lớn hơn chiến tranh. Ấy là khi họ được điều khiển bằng một điều gì đó mạnh hơn lịch sử. Tôi phải bao quát hơn: viết lên sự thật về cuộc sống và cái chết nói chung, chứ không chỉ sự thật về chiến tranh. Đặt ra câu hỏi của Dostoevsky: có bao nhiêu phần người trong một con người, và làm thế nào để bảo vệ được phần người đó trong bản thân? Không nghi ngờ gì là cái ác thật hấp dẫn. Nó thành thạo hơn cái thiện. Có sức hút hơn. Càng chìm sâu vào thế giới vô tận của chiến tranh, tôi càng thấy tất cả những thứ khác đều mờ nhạt đi ít nhiều, trở nên bình thường hơn mức bình thường. Một thế giới bao la và tàn bạo. Giờ đây tôi hiểu được nỗi cô đơn của con người quay về từ nơi đó. Cứ như thể quay về từ một hành tinh khác hay từ thế giới bên kia. Họ có sự hiểu biết mà những người khác không có, thứ mà chỉ có thể lãnh hội được khi ở ngưỡng của cái chết. Khi cố truyền đạt lại bằng ngôn từ, họ có cảm giác về một tai họa. Họ trở nên câm lặng. Họ muốn kể lại, những người khác muốn biết, song tất cả đều bất lực.
Họ luôn ở trong một không gian khác với người nghe. Một thế giới vô hình bao quanh họ. Ít nhất có ba người tham gia vào cuộc trò chuyện: nhân vật kể chuyện hôm nay, nhân vật của thời bấy giờ vào thời điểm xảy ra biến cố, và tôi. Mục đích của tôi trước tiên là khai thác được sự thật về những năm tháng ấy. Những ngày ấy. Không có sự giả trá của cảm xúc. Ngay sau chiến tranh có thể họ đã kể lại một cuộc chiến tranh, và mười năm sau, tất nhiên có điều gì đó thay đổi, bởi lẽ họ đã chất vào kí ức trọn cuộc đời mình. Toàn bộ con người mình. Những gì họ đã sống qua năm tháng, những gì đã đọc, đã thấy, những người họ đã gặp. Cuối cùng là việc họ hạnh phúc hay bất hạnh. Việc trò chuyện giữa họ và tôi, riêng tư hay còn ai khác nữa bên cạnh. Gia đình? Bạn bè? Đồng đội ngoài mặt trận là một chuyện, bạn bè khác lại là chuyện khác. Những tư liệu là những vật thể sống, chúng thay đổi và dao động cùng với chúng ta, có thể không ngừng rút ra từ đó một điều gì đấy. Một điều gì đấy mới mẻ và cần thiết cho chúng ta ngay bây giờ. Trong giây phút này. Chúng ta tìm kiếm điều gì? Không phải những chiến công và tinh thần anh dũng, mà là những gì nhỏ bé và đậm chất người, thú vị và gần gũi với chúng ta nhất. Chẳng hạn, điều gì tôi muốn biết nhất trong đời sống Hi Lạp cổ đại... Lịch sử Sparta... Tôi muốn đọc lúc đó ở nhà người ta chuyện trò về điều gì và như thế nào. Ra trận ra sao. Vào ngày cuối cùng, vào đêm cuối người ta nói cùng điều gì trước lúc chia tay với người yêu. Người ta tiễn chiến binh ra sao. Chờ họ từ chiến trận quay về thế nào... Không phải những anh hùng và những tướng lãnh, mà là những chàng trai bình thường...
Lịch sử qua câu chuyện của một người không phải là nhân chứng hay kẻ tham chiến. Phải, tôi quan tâm điều ấy, tôi muốn biến nó thành văn học. Song những người kể chuyện không chỉ là những chứng nhân, không hề là chứng nhân chút nào, mà là những diễn viên và những người sáng tạo. Không thể tiếp cận hiện thực một cách trực tiếp, mặt đối mặt. Giữa hiện thực với chúng ta là những cảm xúc của chúng ta. Tôi hiểu là mình đứng trước những phiên bản, mỗi người đều có phiên bản riêng, tùy theo số lượng và sự giao thoa của chúng, từ đó nảy sinh hình mẫu của một thời và của những con người sống trong thời đó. Nhưng tôi không muốn người ta nói về cuốn sách của tôi: những anh hùng là có thật, và chẳng có gì hơn. Nói rằng đó là lịch sử. Tất cả chỉ là lịch sử.
Tôi không viết về chiến tranh, mà về con người trong chiến tranh. Tôi không viết lịch sử chiến tranh, mà là lịch sử của những cảm xúc. Tôi là sử gia của tâm hồn. Một mặt, tôi nghiên cứu những con người cụ thể, đã sống vào một thời cụ thể và đã tham gia vào những biến cố cụ thể; nhưng mặt khác, ở những con người đó, tôi cần nhận ra con người của vĩnh hằng. Sự rung động của vĩnh hằng. Một thứ luôn tồn tại trong con người.
Người ta nói với tôi: những kí ức không phải là lịch sử, cũng chẳng phải là văn học. Đơn giản đó là cuộc sống, bị bôi bẩn và không được làm sạch do bàn tay của người họa sĩ. Vật liệu thô của lời nói, đầy ở dưới đáy. Khắp nơi vương vãi những gạch ngói. Song gạch ngói chưa phải là ngôi đền?! Nhưng với tôi thì khác hẳn... Chính ở đó, trong giọng nói ấm áp của con người, trong sự phản ánh sống động của quá khứ, ẩn chứa niềm vui nguyên thủy và phơi trần cái bi thảm của cuộc sống. Sự hỗn độn và nỗi khiếp sợ của nó. Sự đồng nhất và không tài nào hiểu nổi của nó. Ở đó chúng chưa phải trải qua sự chế biến nào. Đó là những nguyên bản.
Tôi dựng lên ngôi đền từ những cảm xúc của chúng tôi... Từ những mong muốn, những tuyệt vọng. Những ước mơ. Từ những gì đã có nhưng có lẽ bị vuột mất.

***
Lại về chuyện ấy... Tôi quan tâm không chỉ cái hiện thực bao quanh ta, mà cả thứ bên trong chúng ta. Tôi không quan tâm bản thân sự kiện, mà là sự kiện của cảm xúc. Ta sẽ nói thế này - linh hồn của sự kiện. Với tôi cảm xúc là hiện thực.
Còn lịch sử? Lịch sử ở ngoài đường phố. Trong đám đông. Tôi tin rằng trong mỗi con người chúng ta đều có một mẩu lịch sử. Ở người này chừng nửa trang, ở người khác thì đôi ba trang. Chúng ta cùng viết một cuốn sách của thời gian. Mỗi người gào lên sự thật của mình. Ác mộng của những sắc thái. Và cần phải lắng nghe tất cả, và hòa tan vào tất cả, trở thành tất cả những thứ đó. Mà đồng thời không được đánh mất bản thân. Kết nối hội thoại đường phố với văn chương. Phức tạp ở chỗ người ta nói về quá khứ bằng ngôn ngữ hiện tại. làm thế nào để truyền cho họ cảm xúc của những ngày xưa?

***
Từ sáng đã có một cú điện thoại: “Cô và tôi chưa quen biết nhau... Nhưng tôi từ Krym đến, tôi gọi cô ở nhà ga. Có xa chỗ cô ở không? Tôi muốn kể cho cô nghe về cuộc chiến tranh của tôi...”
Thế đấy?!
Mà tôi và con gái chuẩn bị ra công viên. Chơi đu quay. Làm sao cắt nghĩa cho một con người sáu tuổi là tôi đang làm công việc gì. Mới đây, nó đã hỏi tôi: “Chiến tranh là gì vậy?” Trả lời thế nào... Tôi những muốn cho nó vào thế giới này với trái tim đầy yêu thương, và đã dạy nó đừng vô cớ ngắt một bông hoa. Thật đáng tiếc khi dí nát con bọ cánh cứng, ngắt cánh con chuồn chuồn. Nhưng làm sao giải thích chiến tranh cho một đứa bé? Giải thích về cái chết? Trả lời câu hỏi: vì sao người ta giết chóc? Thậm chí giết cả những đứa bé như nó. Người lớn chúng ta dường như thông đồng với nhau. Chúng ta hiểu câu chuyện đang nói về điều gì. Nhưng trẻ con thì sao? Sau chiến tranh bố mẹ tôi bằng cách nào đó có giải thích cho tôi ít nhiều, nhưng tôi lại không thể giải thích cho con tôi. Lựa lời để nói. Chúng ta càng ngày càng không thích chiến tranh, càng lúc càng khó tìm được cách biện giải. Với chúng ta đơn giản đó là giết chóc. Với tôi, trong mọi trường hợp, nó là như vậy.
Phải viết một cuốn sách về chiến tranh sao cho người đọc phát buồn nôn vì nó, sao cho nội cái ý tưởng về chiến tranh đã ghê tởm rồi. Điên rồ. Sao cho chính các vị tướng cũng thấy buồn nôn...
Những người bạn cánh đàn ông của tôi (khác với những người bạn cánh đàn bà) sửng sốt trước một logíc “đàn bà” như vậy. Và tôi lại được nghe cái lí lẽ “đàn ông”: “Vì cô không tham chiến.” Nhưng có lẽ, như thế là tốt hơn: tôi không biết đến niềm khao khát hận thù, tôi có cách nhìn bình thường. Một cách nhìn không hiếu chiến, không phải đàn ông.
Trong quang học có khái niệm “độ thu sáng”, là khả năng của vật kính phân giải những hình ảnh thu được rõ hơn. Thế nên, kí ức của phụ nữ về chiến tranh có “độ thu sáng” cao nhất đối với cường độ cảm xúc, với nỗi đau. Thậm chí tôi có thể nói cuộc chiến của “phụ nữ” khủng khiếp hơn cuộc chiến của “đàn ông”. Đàn ông ẩn náu sau lịch sử, sau các sự kiện, chiến tranh mê hoặc họ bằng hành động và sự đối kháng tư tưởng, xung đột quyền lợi, còn phụ nữ bị chiếm lĩnh bằng cảm xúc. Ngoài ra, từ thuở nhỏ đàn ông được chuẩn bị cho khả năng sau này họ phải nã đạn. Phụ nữ không được dạy điều này... họ không sẵn sàng làm việc này... Và họ nhớ đến điều khác, nhớ cách khác. Họ có khả năng nhìn thấy những gì bị đóng lại trước đàn ông. Tôi lặp lại một lần nữa: cuộc chiến của họ có mùi vị riêng, màu sắc riêng, một thế giới chi tiết của hiện hữu: “người ta phát cho chúng tôi những chiếc túi, chúng tôi khâu thành những chiếc váy”; “ở phòng tuyển quân, tôi mặc áo váy đi vào cửa này, và trở ra cửa kia mặc quần và áo lính; bím tóc thì bị cắt, chỉ còn mỗi cái chỏm trên đầu...”; “quân Đức nã đạn khắp thôn rồi bỏ đi... Chúng tôi đến nơi: bãi cát vàng đầy vết giày xéo bên trên, ở đó còn chỏng chơ một chiếc giày trẻ con...” Nhiều lần, người ta cảnh báo tôi (nhất là các nhà văn nam): “Các bà ấy sẽ sáng chế ra khối thứ cho cô. Tha hồ mà bịa.” Nhưng tôi tin chắc: không thể nào bịa ra những chuyện như thế. Sao chép lại của ai được chứ? Nếu như có thể sao chép, thì chỉ có thể từ cuộc sống, chỉ cuộc sống mới có một trí tưởng tượng như thế.
Cho dù nói về chủ đề nào thì trong họ vẫn luôn đinh ninh một ý tưởng: chiến tranh trước hết là sự giết chóc, kế đến là một công việc khó khăn. Rồi sau đó đơn giản là cuộc sống đời thường: người ta ca hát, yêu đương, quấn những lọn để uốn tóc...
Tâm điểm vẫn luôn là điều này, phải chết là điều ngoài ý muốn và không thể chịu nổi. Và giết chóc còn là điều không thể chịu nổi miễn cưỡng hơn nhiều, bởi lẽ phụ nữ là người mang lại sự sống. Ban tặng sự sống. Mang nặng sinh linh trong lòng cả một thời gian dài, nuôi dưỡng nó. Tôi hiểu phụ nữ cảm thấy khó khăn hơn nhiều khi phải giết ai đó.

***
Đàn ông... Họ miễn cưỡng để phụ nữ đi vào thế giới của họ, lãnh địa của họ.
Tôi đã đi tìm một phụ nữ tại xí nghiệp máy kéo Minsk, bà từng là xạ thủ bắn tỉa. Từng là lính bắn tỉa nổi tiếng. Các tờ báo ngoài mặt trận đã viết nhiều bài về bà. Những người bạn của bà ở Moskva đã cho tôi số điện thoại nhà bà, nhưng là số cũ. Họ tên của bà mà tôi có là thời bà chưa lấy chồng. Tôi đến nhà máy nơi bà làm việc và tại phòng tổ chức nhân sự tôi đã nghe những người đàn ông (giám đốc nhà máy và trưởng phòng nhân sự) nói: “Bộ hết đàn ông rồi hay sao? Cô muốn nghe những câu chuyện phụ nữ ấy để làm gì? Toàn chuyện tưởng tượng của đàn bà...” Cánh đàn ông e rằng phụ nữ sẽ kể những chuyện gì đó chứ không phải về cuộc chiến ấy.
Tôi đến nhà một gia đình... Cả hai vợ chồng đều đã từng chiến đấu. Họ gặp nhau và cưới nhau ngoài mặt trận: “Chúng tôi làm lễ cưới trong chiến hào. Ngay trước trận đánh. Tôi đã tự may cho mình một chiếc váy trắng bằng vải dù của quân Đức.” Ông là xạ thủ súng máy, còn bà là giao liên. Ông phái ngay vợ vào bếp: “Em chuẩn bị món gì cho chúng tôi nhé.” Ấm nước đã sôi, bánh kẹp đã cắt sẵn, bà đã ngồi vào bàn cùng chúng tôi, nhưng ông chồng lại bắt bà đứng dậy: “Còn dâu tươi đâu? Quà quê để đãi khách đâu?” Sau khi tôi nằng nặc đề nghị ông mới miễn cưỡng nhường chỗ và không quên dặn: “Hãy kể như tôi đã bày cho bà nhé. Không có nước mắt và những chuyện vặt vãnh đàn bà kiểu như: tôi muốn mình đẹp, tôi đã khóc khi bị cắt mất bím tóc.” Sau đó bà vợ đã thì thầm thú nhận với tôi: “Cả đêm ông ấy nhồi nhét cho tôi cuốn Lịch sử cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Ông ấy lo cho tôi. Ngay cả bây giờ, ông ấy vẫn trăn trở là tôi cứ nhớ những chuyện linh tinh. Không đúng như cần thiết.”
Chuyện như thế không phải chỉ xảy ra một lần, không phải ở một nhà.
Phải, họ đã khóc rất nhiều. Gào lên. Sau khi tôi đi khỏi họ uống thuốc trợ tim. Gọi cấp cứu. Nhưng bất chấp, họ luôn nài tôi: “Cô quay lại nhé. Nhất định phải quay lại đấy. Chúng tôi đã nín lặng quá lâu rồi. Bốn mươi năm câm lặng...”
Tôi hiểu rằng không được chế biến tiếng khóc và nước mắt, bởi lẽ nếu khác đi thì điều cốt yếu sẽ không còn là tiếng khóc và nước mắt, mà là sự chế biến. Chỉ còn văn chương, thay vì cuộc sống. Chất liệu như thế đấy, và độ nóng của chất liệu ấy. Luôn vượt quá thang nhiệt độ. Con người bộc lộ và thể hiện bản thân nhiều nhất trong chiến tranh, và có lẽ trong tình yêu. Tận những góc sâu kín nhất, những tầng ẩn khuất nhất dưới lớp da. Khi đối mặt với cái chết thì mọi ý tưởng đều nhạt nhòa, sự vĩnh hằng khó lòng thấu hiểu mà chưa ai chuẩn bị thâm nhập được mở ra. Chúng ta còn sống mãi trong lịch sử, chứ không phải trong vũ trụ.
Có vài lần, tôi nhận lại những bản được gửi để đọc thử, với ghi chú: “Không cần nói những chuyện vặt vãnh... Hãy viết về Chiến thắng vĩ đại của chúng ta...” Chỉ có điều, với tôi những “chuyện vặt vãnh” mới là điều cốt yếu - là hơi ấm và sự sinh động của cuộc sống: là mớ tóc còn lại thay vì bím tóc, là những nồi cháo và súp còn nóng hổi không có người ăn vì chỉ có bảy trong số một trăm người trở về sau trận đánh; hay chuyện sau chiến tranh họ không thể ra chợ để khỏi thấy cảnh những dãy quầy thịt đỏ lòm... Thậm chí vải màu đỏ... “Ôi, cô gái quý mến của ta, đã 40 năm trôi qua, vậy mà trong nhà ta đố cô tìm được thứ gì màu đỏ. Sau chiến tranh ta căm ghét mọi thứ màu đỏ!”

***
Tôi lắng nghe nỗi đau... Nỗi đau như là minh chứng của cuộc sống quá khứ. Không có minh chứng nào khác, tôi không tin những minh chứng khác. Đã nhiều lần ngôn từ đưa chúng ta xa rời sự thật.
Tôi nghĩ về sự đau khổ như một dạng cao nhất của thông tin, có liên quan trực tiếp với bí mật. Với sự huyền bí của cuộc sống. Toàn bộ nền văn học Nga đều nói về điều này. Viết về nỗi đau nhiều hơn về tình yêu.
Và những phụ nữ kể tôi nghe về nỗi đau nhiều hơn...

***
Họ là ai - là người Nga hay người Xô-viết? Không, họ là những người Xô-viết - nghĩa là cả người Nga, người Belarus, người Ukraina, người Tadjik...
Suy cho cùng thì đó là con người Xô-viết. Những người, mà tôi nghĩ, sẽ không bao giờ còn nữa, chính họ cũng hiểu điều đó. Thậm chí chúng ta, thế hệ con cái của họ, đã là những người khác rồi. Chúng ta muốn giống như mọi người. Không giống cha mẹ mình mà giống với thế giới. Còn nói gì đến thế hệ cháu chắt nữa...
Song tôi yêu họ. Tôi ngưỡng mộ họ. Họ đã có Stalin, có GULAG, nhưng họ cũng có Chiến thắng. Và họ biết điều đó.
Gần đây tôi nhận được một bức thư:
“Con gái tôi rất yêu tôi, với nó tôi là một anh hùng, nếu đọc sách của cô nó sẽ vô cùng thất vọng. Bẩn thỉu, chấy rận, máu me bất tận - mọi thứ đều là sự thật. Tôi không phủ nhận. Nhưng chẳng lẽ những kí ức về điều ấy lại có khả năng nảy sinh những cảm xúc cao quý? Sẵn sàng cho những chiến công...”
Nhiều lần tôi nhận thức được rằng:
... Kí ức của chúng ta còn xa mới là một công cụ lí tưởng. Nó không chỉ tùy tiện và thất thường, mà còn bị xiềng vào sợi xích thời gian, như một con chó.
... Chúng ta nhìn vào quá khứ từ ngày hôm nay, chúng ta không thể nhìn nó từ hư không.
... Họ cũng yêu những gì đã xảy ra với họ, bởi lẽ đó không chỉ là một cuộc chiến, mà còn là tuổi trẻ của họ. Mối tình đầu của họ.

***
Tôi lắng nghe họ nói... Lắng nghe cả lúc họ im lặng... Cả lời nói lẫn sự im lặng đều là những ghi chép đối với tôi.

“Đây không phải là thứ để in ra, mà để dành cho riêng cô... Những người lớn tuổi hơn... Họ ngồi đăm chiêu trên chuyến tàu... Buồn bã. Tôi nhớ một thiếu tá đã nói với tôi về Stalin khi đêm xuống, mọi người đều say giấc. Ông đã quá chén và trở nên táo tợn hơn, ông thú nhận rằng cha ông đã ở trong trại mười năm, “không được quyền trao đổi thư từ”[1]. Không rõ sống chết ra sao. Thiếu tá đã nói những lời đáng sợ: “Tôi muốn bảo vệ Tổ quốc, nhưng tôi không muốn bảo vệ một kẻ phản bội lại cách mạng như Stalin.” Tôi chưa từng nghe những lời như vậy ... Tôi thấy sợ. May thay, đến sáng ông ấy đã biến mất. Có lẽ đã xuống tàu...”

“Tôi sẽ kể cho cô nghe một bí mật... Tôi là bạn của Oksana, cô ấy là người Ukraina. Lần đầu tiên tôi được nghe cô ấy kể về nạn đói khủng khiếp tại Ukraina. Holodomor. Không thể tìm thấy ếch hay chuột gì hết - mọi người đã ăn chúng. Làng của họ bị chết khoảng một nửa. Các em trai và bố mẹ của cô ấy đều chết hết, còn cô đã thoát chết bằng cách ăn trộm phân ngựa tại chuồng ngựa của nông trang vào ban đêm để ăn. Không ai ăn nổi, thế mà cô ấy ăn được: “Khi còn ấm không thể nào nuốt nổi, nhưng khi nguội lạnh thì có thể. Tốt nhất là đông cứng, nó có mùi rơm.” Tôi nói: “Oksana, đồng chí Stalin đang chiến đấu. Đồng chí tiêu diệt bọn phá hoại, chúng rất nhiều.” Cô ấy đáp, “Không đâu, cậu ngốc lắm. Bố tớ là giáo viên lịch sử, ông nói với tớ: Một ngày nào đó, đồng chí Stalin sẽ phải trả lời về tội ác của mình...”
Đêm xuống tôi nằm nghĩ ngợi: giả sử Oksana là kẻ thù thì sao? Hay là gián điệp? Phải làm sao đây? Hai ngày sau, cô ấy hi sinh trong một trận đánh. Cô chẳng còn người thân nào hết, không có ai để báo tử...”

Họa hoằn lắm họ mới chạm vào chủ đề này một cách thận trọng. Cho đến nay họ vẫn bị tê liệt không chỉ vì sự thôi miên và nỗi sợ hãi của Stalin, mà còn vì niềm tin trước đây. Vẫn không thể ngừng yêu những gì họ đã yêu. Dũng cảm trong chiến tranh và dũng cảm trong tư tưởng là hai loại dũng cảm khác nhau. Còn tôi từng nghĩ rằng đó chỉ là một mà thôi.

***
Bản thảo còn nằm khá lâu trên bàn...
Đã hai năm nay tôi nhận được lời từ chối của những nhà xuất bản. Những tạp chí còn không buồn trả lời. Sự quy kết bao giờ cũng giống nhau: mô tả chiến tranh quá khủng khiếp. Quá rùng rợn. Tự nhiên chủ nghĩa. Thiếu vai trò định hướng và chủ đạo của đảng cộng sản. Tóm lại, không phải cuộc chiến đó... Mà cuộc chiến đó là cuộc chiến nào? Với những viên tướng và vị nguyên soái anh minh ư? Không có máu me và chấy rận ư? Với những anh hùng và những chiến công. Tôi nhớ hồi còn thơ, tôi và bà nội đi dọc một cánh đồng mênh mông, bà kể: “Khá lâu sau chiến tranh, trên cánh đồng này chẳng có gì mọc nổi. Quân Đức rút lui... Ở đây đã diễn ra trận chiến, đánh nhau suốt hai ngày... Người chết nằm xếp lớp như rạ. Như những thanh tà vẹt trên đường sắt. Cả quân Đức lẫn quân ta. Sau trận mưa khuôn mặt của tất cả các thi thể đều ướt như đẫm nước mắt. Dân làng phải mất cả tháng trời mới chôn hết được...”
Làm sao tôi quên được cánh đồng ấy chứ?
Đơn giản không phải là tôi ghi chép lại. Tôi thu thập, dò tìm tinh thần con người trong hoàn cảnh mà sự đau khổ biến một con người nhỏ bé thành một con người lớn lao. Trong hoàn cảnh ấy con người trưởng thành. Và khi đó đối với tôi - họ không câm lặng và không phải là giai cấp vô sản bị mất dấu vết của lịch sử. Tâm hồn bị tách rời. Phải chăng đó chính là sự xung đột của tôi với giới cầm quyền? Tôi hiểu là tư tưởng lớn cần con người nhỏ bé, chứ không phải con người lớn lao. Con người lớn lao thừa thãi và bất tiện cho tư tưởng lớn. Tốn nhiều công sức để chế biến. Tôi tìm kiếm. Tìm kiếm con người nhỏ bé trở thành lớn lao. Con người bị lăng nhục, bị chà đạp, bị xúc phạm - trải qua trại cải tạo của Stalin và sự phản bội, mà cuối cùng vẫn chiến thắng. Làm được điều kì diệu.
Song lịch sử chiến tranh đã bị thay bằng lịch sử chiến thắng.
Con người ấy sẽ tự mình kể lại...



[1] Ngụ ý là đã bị xử bắn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét