Varlam Tikhonovich Shalamov (1907-1982) - nhà thơ, nhà văn Nga, người có
những tác phẩm viết về trại cải tạo thời Sô-viết.
Bản thân ông đã có thâm niên cải tạo trong 3 đợt cả thảy khoảng 16 năm. Ông phát biểu: "Trí thức Nga, nếu chưa kinh qua trường tù ngục, chưa tích lũy kinh nghiệm ngục tù, thì chưa thật sự là trí thức Nga".
"Những mẩu chuyện Kolyma" là tập hợp những truyện ngắn về trại cải tạo được ông bắt đầu viết từ năm 1954.
Trân trọng giới thiệu với độc giả một vài mẩu chuyện, trích trong tập truyện ngắn này.
Phạm Ngọc dịch từ nguyên tác tiếng Nga.
Phạm Ngọc dịch từ nguyên tác tiếng Nga.
Đường tuyết
Làm cách nào để mở một con đường giữa mênh mông tuyết trắng không dấu chân người? Một người đi trước, mướt mồ hôi và lầm bầm chửi rủa, khó nhọc lắm mới lê nổi bước chân, cứ mỗi chốc bị níu lại trong lớp tuyết dầy và xốp. Người ấy đi thật xa, đánh dấu con đường bằng những vết lõm dấu chân đen đen không đều nhau. Người ấy mệt mỏi, nằm lăn ra tuyết, rít hơi thuốc, khói thuốc bay là là như đám mây xanh trên vùng tuyết trắng lấp lánh. Người ấy đã cất bước đi tiếp rồi mà đám mây vẫn còn lơ lửng nơi vừa nghỉ giải lao, - không khí dường như cũng đông lại. Những con đường luôn được mở vào những hôm lặng gió để công sức con người không bị xóa sạch. Người ấy phải tự định hướng giữa mênh mông tuyết trắng: bằng mỏm vách đá, bằng ngọn cây cao, - người ấy lê tấm thân trên tuyết như bánh lái hướng con thuyền trên sông nước từ mũi đất này đến mũi đất kia.
Năm sáu người vai kề vai dàn hàng ngang đi theo dấu chân ngoằn ngoèo mở đường trên tuyết. Họ phải bước cạnh dấu chân, không được dẫm vào vết cũ. Đến một nơi định trước, họ quay đầu và đi ngược trở lại để xéo nát một dải tuyết trắng hoang vu, cái nơi định trước ấy còn chưa hề in dấu chân người. Con đường được mở. Người ta, xe trượt tuyết, máy kéo có thể đi trên đó. Nếu theo cách dẫm vào dấu chân người đi đầu thì sẽ tạo thành một lối mòn hẹp khó đi chứ chẳng thành đường, - len từ những rãnh hẹp để mở đường còn khó khăn hơn bước vào chỗ tuyết mới. Người đi đầu là vất vả nhất, và khi người ấy kiệt sức thì một trong năm người còn lại sẽ thay phiên. Mỗi một người đi sau, cho dù nhỏ con nhất, yếu nhất, cũng phải tự cày xới một mẩu tuyết hoang, không được dẫm vào dấu chân người khác. Còn đi trên máy kéo hay trên ngựa lúc này không phải những tác giả nữa rồi, mà là người đọc.
1956
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét