Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Di chúc Lenin (V)


Bài báo của Lev Trotsky có nhan đề "Di chúc của Lenin", được viết vào tháng 12 năm 1932 tại Prinkipo (Thổ Nhĩ Kì) trong thời gian ông bị trục xuất khỏi Liên Sô từ năm 1928. Đây là một bài báo chưa công bố cho đến tận năm 1990 mới được phát hiện trong hồ sơ lưu trữ của Trotsky tại Hoa Kì và được đăng tải trên tạp chí "Horizon".
Phạm Ngọc dịch từ tiếng Nga.
Sverdlov và Stalin - những hình mẫu của nhà tổ chức
Để thấy rõ vị trí thích hợp của Di chúc trong quá trình phát triển đảng cần phải nhìn lại quá khứ.
Trước mùa xuân 1919, Sverdlov là nhà tổ chức chủ iếu của đảng. Ông không mang danh hiệu tổng bí thư vì vào thời đó chưa có. Song thực chất ông làm nhiệm vụ ấy. Sverdlov mất năm 34 tuổi, vào tháng 3-1919, do một căn bệnh gọi là bệnh cúm Tây Ban Nha. Trong thời kì bùng nổ nội chiến và dịch bệnh, gây thiệt hại cho cả cánh hữu lẫn cánh tả, đảng còn chưa kịp nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của sự mất mát đó. Trong hai bài điếu văn, đánh giá Lenin dành cho Sverdlov phản ánh rất rõ mối quan hệ gần đây của đồng chí với Stalin. "Trong tiến trình và trong chiến thắng của cách mạng - Lenin phát biểu - Sverdlov đã thể hiện một cách đầy đủ và trọn vẹn, hơn bất cứ một ai, chính bản chất của cách mạng vô sản". Sverdlov "trước tiên và hơn hết" là một nhà tổ chức. Từ một cán bộ hoạt động bí mật khiêm tốn, không phải nhà lí luận hay nhà văn, trưởng thành trong thời gian ngắn trở thành "một nhà tổ chức chiếm uy tín tuyệt đối, một nhà tổ chức của toàn chính quyền Sô-viết tại nước Nga, một nhà tổ chức công tác đảng duy nhất theo đúng nghĩa của nó". Lenin là người xa lạ với sự thổi phồng những lời ca ngợi có tính chất nghi thức hay tang lễ. Đánh giá Sverdlov vào thời đó đã nêu rõ đặc trưng nhiệm vụ của một nhà tổ chức: "Chỉ do chúng ta có một nhà tổ chức như Sverdlov, chúng ta mới có thể hoạt động trong tình hình chiến tranh mà không có một xung đột nào đáng phải bận tâm cả".
Thực tế là như thế. Trong những cuộc trò chuyện với Lenin vào thời ấy, chúng tôi nhiều lần nhận thấy điều khiến đồng chí luôn có cảm giác hài lòng về việc một trong những điều kiện thành công của đảng là sự thống nhất và đoàn kết của hàng ngũ lãnh đạo. Bất kể áp lực khủng khiếp của tình hình và những khó khăn, những vấn đề mới nảy sinh và những mâu thuẫn thực tế sâu sắc đôi lúc bùng nổ, hoạt động diễn ra rất suôn sẻ, hữu nghị, không có đấu đá nội bộ. Chúng tôi hồi tưởng lại các sự kiện của những cuộc cách mạng trước đây bằng những lời ám chỉ ngắn gọn. "Không, chúng ta làm tốt hơn nhiều". "Điều đó đem lại thắng lợi cho chúng ta". Sự đoàn kết của trung ương được kế thừa từ lịch sử chủ nghĩa bôn-sê-vich và được củng cố bởi uy tín của hàng ngũ lãnh đạo, trước tiên là Lenin. Tuy nhiên, Sverdlov mới là đầu mối chính gắn kết sự thống nhất không gì sánh được của guồng máy nội bộ. Bí quyết của đồng chí rất đơn giản - lãnh đạo vì lợi ích công việc, và chỉ vì thế. Không một cán bộ đảng nào e ngại lãnh đạo đảng có mưu đồ gì phía sau. Tính trung thực là nền tảng uy tín của Sverdlov.
Từ việc kiểm tra tư tưởng hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng, Lenin có kết luận thực tiễn trong phát biểu tại lễ tang: "Chúng ta không bao giờ có thể thay thế được con người này, nếu như hiểu rằng thay thế có nghĩa là khả dĩ có thể tìm được một đồng chí hội tụ được tất cả những năng lực như vậy... Công tác mà đồng chí ấy đảm đương một mình, giờ đây cả một nhóm người, noi theo gương của đồng chí ấy, mới có thể gánh vác nổi". Và những lời này không phải là mĩ từ sáo rỗng, mà là đề xuất thiết thực mang tính nghiêm túc. Mọi người đã hành động đúng như thế: một tập thể ba người đã thay cho một bí thư duy nhất.
Từ những lời của Lenin, ngay cả đối với kẻ không có cống hiến trong lịch sử đảng cũng thấy rõ, sinh thời Sverdlov, Stalin không đóng vai trò lãnh đạo trong bộ máy đảng, trong cách mạng tháng Mười, trong giai đoạn đặt nền móng và xây dựng nhà nước Sô-viết. Stalin cũng không hề được nhắm vào cương vị bí thư thứ nhất thay thế Sverdlov.
Tại đại hội lần thứ X, hai năm sau khi Sverdlov mất, Zinovyev và những người khác, không ngoài í định đằng sau là chống lại tôi, đẩy Stalin lên vị trí ứng cử viên chức tổng bí thư, nghĩa là đặt ông ta một cách "hợp pháp" vào vị trí mà Sverdlov đảm nhiệm một cách "thực chất", Lenin lên tiếng phản đối kế hoạch này trong nhóm thân cận của mình, bày tỏ mối quan ngại "tay đầu bếp này sẽ chế biến toàn những món cay xé lưỡi". Nội một câu nói này, so sánh với với tính cách của Sverdlov, cho ta thấy rõ hai mình mẫu hoàn toàn khác biệt của nhà tổ chức: một người không mệt mỏi làm dịu bớt va chạm, làm bớt căng thẳng công tác tập thể, còn người kia - chuyên gia về món ăn nhiều gia vị, không ngại gì sử dụng chất độc để nêm nếm. Nếu như vào tháng 3-1921 Lenin đã không phản đối đến cùng, nghĩa là công khai nêu í kiến tại đại hội phản đối ứng cử viên Stalin, chỉ là vì chức vụ bí thư, thậm chí "tổng bí thư" vẫn còn phải phục tùng lãnh đạo tập thể, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ khi quyền lực còn tập trung trong tay Bộ Chính trị. Tuy nhiên, có lẽ Lenin cũng như một số người khác chưa đánh giá đúng mức và đúng thời điểm những nguy cơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét