CHƯƠNG 1
NHỮNG BÓNG MA CỦA QUÁ KHỨ
Những phụ nữ van xin trong đêm
Hằng đêm, những cô gái khóc lóc vây quanh giường tôi. Những đôi mắt đen mở to, đầu họ bị cạo trọc. “Hãy cứu chúng tôi!” Họ van xin tôi. “Làm ơn cứu chúng tôi!” Bất cứ nơi nào có sự cai trị của chế độ chuyên chế, nữ giới chúng tôi luôn bị đàn áp nặng nề nhất. Thật dễ dàng bóp nghẹt chúng tôi bằng lũ quỷ dữ của bất lực, xấu hổ và tội lỗi. Tuy nhiên, không phải phụ nữ xấu hổ vì những vết thương mà đàn ông gây ra cho chúng tôi. Giờ đây tất cả những gì tôi phải làm là hiểu rõ sự thật này. Tôi cố vùng vẫy để đứng dậy, nhưng thấy mình chết cóng, vô hồn như một cái xác.
Kể từ hồi ở trại, đôi khi tôi không thể nhỏm dậy khỏi giường. Bởi vì một thời gian quá dài tôi đã ngủ trên sàn bê tông lạnh. Chân tay và các khớp của tôi đau nhức vì bệnh thấp khớp. Trước đó tôi hoàn toàn khỏe mạnh; lúc này, ở tuổi 43, tôi là một phụ nữ ốm yếu. Khoảnh khắc tôi chìm vào giấc ngủ khó khăn độ vài giây thì những cơn ác mộng lại đánh thức tôi dậy.
Không một ai trong số những phụ nữ, trẻ em, đàn ông và người già bị nhốt sau dãy hàng rào thép gai cao đó phạm tội gì, ngoài việc họ sinh ra là người Kazakhstan, Duy Ngô Nhĩ hoặc một số sắc tộc Hồi giáo khác ở tỉnh Tây Bắc Trung Quốc. Có những cái tên Hồi giáo như Fatima hay Hussein.
Tôi tên là Sayragul Sauytbay. Tôi đã kết hôn, từng điều hành một lúc 5 trường mẫu giáo trước khi bị giam giữ, và tôi yêu gia đình mình hơn tất cả. Chúng tôi xuất thân từ một tỉnh Tây Bắc Trung Quốc, rộng lớn hơn cả Đức, Pháp và Tây Ban Nha cộng lại, và cách Bắc Kinh khoảng 3.000km đường chim bay. Với những rặng núi cao tới 7.000m bao quanh, tỉnh chúng tôi tiếp giáp với nhiều nước hơn bất cứ nơi nào ở Trung Quốc, bao gồm Mông Cổ, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, cũng như Afghanistan, Ấn Độ và Pakistan. Đây là nơi Trung Quốc tiếp giáp gần nhất với châu Âu xa xôi.
Từ thời cổ đại, khu vực này từng là nơi sinh sống chủ yếu của người Duy Ngô Nhĩ, nhưng cũng có nhiều đại diện sắc tộc khác, bao gồm người Mông Cổ, Kyrgyzstan, Tartar, và tôi thuộc một nhóm sắc tộc lớn thứ hai là người Kazakhstan. Tỉnh của chúng tôi từng có tên là Đông Turkestan cho đến năm 1949, khi Trung Quốc, một đế quốc láng giềng rộng lớn, thôn tính thô bạo toàn bộ khu vực, một vùng có lợi thế chiến lược được gọi một cách không chính thức là “cửa ngõ phía Tây”. Mao Trạch Đông đã đổi tên nó thành Khu tự trị Tân Cương (Biên giới mới), nhưng với chúng tôi nó vẫn là Đông Turkestan, quê cha đất tổ của chúng tôi. Về mặt chính thức, Bắc Kinh đảm bảo cho cư dân bản địa quyền tự chủ, độc lập và ý chí tự do. Tuy nhiên, một cách không chính thức, chính phủ đối xử với chúng tôi như một thuộc địa nô lệ.
Từ năm 2016, tỉnh chúng tôi đã được chuyển sang một khu vực được giám sát lớn nhất trên thế giới. Theo ước tính của các chuyên gia quốc tế, một mạng lưới gồm hơn 1.200 trại giam trên mặt đất, nhưng càng ngày càng có nhiều báo cáo về các trại dưới lòng đất. Chúng tôi ước tính có khoảng 3 triệu người hiện đang bị giam giữ. Họ chưa bao giờ ra tòa. Họ chưa bao giờ phạm tội. Đây là vụ giam cầm có hệ thống lớn nhất một nhóm sắc tộc duy nhất kể từ thời Đệ tam Đế chế.
Các quan chức của Đảng buộc tôi phải im lặng về tất cả những gì tôi đã chứng kiến với tư cách là một nhân viên bậc cao trong khu vực công ở các trại kinh hoàng tại Đông Turkestan - “bằng không thì sẽ chết”. Tôi thật sự đã phải kí vào bản cam kết bằng mạng sống của chính mình. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những trở ngại đó, cuối cùng tôi đã tìm cách thoát khỏi nhà tù lộ thiên lớn nhất thế giới ấy và đến được Thụy Điển.
Hoàn cảnh của tôi thật không bình thường, bởi vì tôi đã được đưa vào làm giáo viên ở một trong những trại này. Vị trí ấy cho tôi cái nhìn thấu suốt về hoạt động sâu bên trong hệ thống; và những gì tôi thấy là một bộ máy quan liêu được nghĩ ra một cách tỉ mỉ, chi tiết, cẩn thận, và vận hành theo những hướng dẫn rõ ràng cụ thể từ Bắc Kinh. Đây không chỉ là sự tra tấn, sỉ nhục và tẩy não có hệ thống. Mà là sự thủ tiêu có chủ ý cả một nhóm sắc tộc.
Khi chúng ta ngồi đây, các tập đoàn lớn phương Tây đang kiếm bộn tiền từ việc kinh doanh giao dịch của họ ở Tây Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, cách trụ sở của họ chỉ độ vài bước chân, trẻ em, phụ nữ, đàn ông, thiếu niên và người già đang bị giam cầm như những con vật và bị tra tấn theo những cách không thể diễn tả nổi.
Theo các tổ chức nhân quyền thì có khoảng 1/10 người Hồi giáo ở tỉnh nhà chúng tôi hiện đang bị giam giữ. Con số này phù hợp với ước tính riêng của tôi. Bản thân tôi đã ở trong một trại cùng với 2.500 tù nhân khác. Ở trung tâm khu vực Mongolküre, được người Trung Quốc gọi là Chiêu Tô (Zhaosu), là nơi sinh sống của 180.000 người, có 2 nhà tù lớn và 3 trại, được thiết lập từ một trường Đảng cũ được chuyển đổi công năng và từ các tòa nhà bỏ hoang. Giả sử những trại này có cùng một số lượng tù nhân, thì ngay cả trong một khu vực nhỏ bé như quận nhà của tôi cũng có khoảng 20.000 người bị giam giữ. Đến nay, mọi gia đình Hồi giáo đều có người bị bắt giam. Không ai ở Tân Cương mà không bị mất vài người thân.
Bằng chứng về các trại này thì quá nhiều - chúng tôi có những hình ảnh vệ tinh, những lời kể của nhân chứng, và gần đây nhất là một người Trung Quốc tố giác đã phát hành tài liệu “China Cables” - thế nên cuối cùng Bắc Kinh đã thừa nhận sự tồn tại của các trại sau một thời gian dài phủ nhận. Tuy nhiên, các chính khách cấp cao của Trung Quốc vẫn tiếp tục nói một cách hoa mĩ về “các trung tâm dạy nghề”; họ tung ra các bộ phim tuyên truyền cho thấy các học viên trang điểm xinh tươi, ăn mặc đẹp, nhảy múa và cười đùa, học tập trong những căn phòng sáng sủa, được bài trí đẹp mắt và được “cải tạo thành người tốt hơn”. Luận điệu chính thức của Đảng là các phương tiện truyền thông nước ngoài đang “truyền bá những lời dối trá ác ý”, là tất cả các “học viên” đều được hưởng tự do riêng, và hầu hết đều đã được thả ra.
Khi nghe những giọng điệu loại này, tôi tự hỏi, thế thì tất cả bạn bè, hàng xóm và người quen của tôi đã có thể đi đâu. Nếu như họ được tự do, thế thì tại sao không ai có thể gọi điện thoại cho họ? Và nếu thật sự những trại này là “các trung tâm dạy nghề” như chính quyền Bắc Kinh kiên quyết khẳng định, thì tại sao bọn trẻ nhỏ lại bị tách khỏi gia đình và lớp học của chúng, và bị gửi đến đó? Tại sao những “trường nội trú này phải thay thế cho phụ huynh”, như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) yêu cầu? Việc “cải tạo” này cần để làm gì đối với một bà già 84 tuổi? Tại sao các văn sĩ, giáo sư, doanh nhân thành đạt và nghệ sĩ - tất cả những người có trình độ học vấn cao - cần tham gia “các khóa giáo dục thường xuyên” đằng sau hàng rào thép gai này?
Bất cứ ai nói lên sự thật về những trại này ở Đông Turkestan đều bị gắn mác gián điệp nước ngoài, kẻ dối trá hoặc khủng bố. Bộ phận kiểm duyệt Trung Quốc lập tức xóa ngay tất cả thông tin có trên mạng, và bất cứ ai đăng chuyển thông tin này trong phạm vi Trung Quốc sẽ biến mất không dấu vết ngay ngày hôm sau. Ngay sau khi một phái đoàn phương Tây thông báo sẽ đưa các nhà báo đến thăm tỉnh Đông Turkestan, như đã xảy ra vào mùa thu năm 2019, các quan chức Đảng đã nhanh chóng biến một trại cải tạo thành trường học bình thường.
Dây thép gai biến mất khỏi hàng rào và những lính canh trang bị vũ khí tận răng được điều đi khỏi cổng. Các giáo viên trước đây đã bị sa thải - hiện là phu quét đường hay công nhân nhà máy - bị điều động trở lại phục vụ trong suốt thời gian của chuyến thăm. Các lớp học mới gồm toàn học viên Kazakhstan và Duy Ngô Nhĩ nhanh chóng được lập ra, và những thước phim tươi sáng, đầy màu sắc được lên sóng truyền hình.
Một người bạn, được cấp giấy phép cho khách thăm để dự đám tang của mẹ anh ấy trong khu vực, đã nói với tôi rằng tất cả các giáo viên và học viên phải học thuộc lòng lời soạn sẵn của Đảng để trả lời khách phương Tây. Bất cứ ai bỏ sót một từ hoặc một dấu phẩy đều bị đày đến các trại. Hướng dẫn chính thức như sau: “Học viên, các bạn không được phép nói những gì thật sự diễn ra trong vài năm qua. Các bạn sẽ cho họ biết Đảng tốt như thế nào và đời sống ở đây tốt đẹp như thế nào...” Giờ đây, chúng tôi đã quen với những màn biểu diễn đóng kịch và giả tạo của ĐCSTQ. Chúng tôi đã sống với họ từ hồi còn bé.
Hồi tưởng lại quá khứ của mình khiến tôi buồn nôn. Tôi không tài nào ghìm được cơn mửa, như thể bầy kí sinh trùng đang lúc nhúc trong cơ thể. Tôi phải quấn khăn quanh đầu vì có cảm giác như nó sắp nổ tung. Có thể đó là những kí ức; mà cũng có thể đó là hậu quả của đòn tra tấn. Nhưng dù có đau khổ đến mấy khi nói về những trải nghiệm của bản thân, tôi tin rằng nhiệm vụ của mình là phải cảnh báo với thế giới. Nghĩa là, tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi không đổ lỗi cho nhân dân Trung Quốc về những tội ác kinh hoàng này: trách nhiệm duy nhất thuộc về chính quyền Bắc Kinh và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Với tư cách là nhân chứng chính, tôi chia sẻ hiểu biết của mình về hoạt động bên trong của hệ thống phát xít này. Tôi nói ra không chỉ cho bản thân, mà nhân danh tất cả những ai bị giam giữ trong các trại tập trung ấy, và thay mặt những ai đang lo sợ cho tánh mạng của họ dưới chế độ độc tài này. Chúng ta không thể có tự do như là điều hiển nhiên. Nếu chúng ta không hành động để bảo vệ nó đúng lúc, thì chúng ta sẽ đánh mất nó, vì trong cơn hấp hối cuối cùng, nó biến mất quá nhanh để chúng ta theo kịp. The Middle Kingdom - như cách gọi của Trung Quốc - đã lên kế hoạch trước nhiều thập kỉ. Họ tận dụng những cơ hội do một xã hội mở đem lại để phá hoại nền dân chủ dần từng mảnh. Tôi có kinh nghiệm trực tiếp về ý nghĩa của việc sống trong một môi trường do Bắc Kinh kiểm soát, trong một trạng thái giám sát siêu hiện đại mà thế giới chưa từng thấy.
Và một thế giới không có tự do khiến ta phải chạy trốn khỏi cuộc sống địa ngục của mình.
Rời Thụy Điển đến Đức
Đó là một tình huống kì lạ khi tôi tạm biệt gia đình ở Thụy Điển và cùng Ulagat, cậu con trai 10 tuổi của tôi, đi du lịch đến Đức để tham dự buổi phỏng vấn. Nhà báo Alexandra Cavelius dự định sử dụng những cuộc trò chuyện của chúng tôi để viết một cuốn sách về những trải nghiệm của tôi.
Tàu sẽ khởi hành vào lúc 10 giờ 55 phút tối, nhưng chúng tôi đã rời khỏi
nhà sớm 4 giờ, mặc dù chỉ cách bến cảng 15 phút đi đường. Uali và Ukilay, cô
con gái 14 tuổi của tôi, đã đi tiễn chúng tôi. Một lúc sau, cả hai người đột
nhiên im lặng và lùi lại sau một chút.
Tôi và con trai có mặt ở bến xe buýt, đợi xe đưa chúng tôi đến bến
thuyền. “Sao bố và chị không nói chuyện với mẹ con mình nữa?” Ulagat níu lấy áo
khoác của tôi thắc mắc. “Có thể bố và chị buồn vì không đi cùng mẹ con mình
chăng?” Nó chạy đến chỗ bố. “Bố và chị có muốn mẹ và con ở lại không?” Uali lắc
đầu và vuốt mái tóc đen dày của thằng bé. “Không, không, đây là một cơ hội
tuyệt vời! Chỉ cần nghĩ - con chỉ mới 10 tuổi, và sắp tới con sẽ đến thăm 4
quốc gia khác nhau. Đó là điều mà mọi trẻ em đều mơ ước. Bây giờ con đã là một
người đàn ông và con phải chăm sóc mẹ thật tốt. Khi mẹ muốn uống trà, hãy pha
cho mẹ một tách. Khi mẹ cần uống thuốc, hãy lấy thuốc cho mẹ.”
Các con tôi đều biết mẹ chúng bị bệnh từ hồi ở trại. Không ai ra khỏi
một nơi như thế mà vẫn khỏe mạnh. Thường thì người thân của họ cũng đổ bệnh,
chờ đợi hàng tháng hoặc hàng năm, lo lắng, hi vọng mong manh một dấu hiệu sự
sống của người thân yêu. Các con tôi đã phải lớn lên quá nhanh.
Khi xe buýt đến, con gái tôi nhìn quanh và bắt đầu khóc nức nở. Không
có lí do gì đáng để buồn, nhưng bỗng nhiên tất cả những kí ức đen tối đó lại sủi
lên như bong bóng. Những đứa trẻ nhớ lại chúng đã phải chạy trốn đến chỗ cha chúng ở
Kazakhstan như thế nào, trong khi phải xa rời mẹ chúng ở biên giới. Hai năm
rưỡi trời. Không có bất cứ liên lạc gì.
Kể từ đó, gia đình chúng tôi không có một ngày nào mà không phải lo
lắng. Chúng tôi luôn chạy trốn, từ nơi này đến nơi khác. Trước buổi tối hôm đó tại
bến tàu, chúng tôi chưa bao giờ được yên ổn, và chưa bao giờ được sống trong tự
do như một gia đình bình thường. Đột nhiên, cửa xe đóng sập lại, ngăn cách tôi
và con trai với con gái và cha nó. Xe buýt chưa chạy được 5m thì điện
thoại của tôi đổ chuông. “Em sao rồi?” Chồng tôi hỏi. “Mọi thứ ổn chứ? Mẹ con
em hãy tự chăm sóc bản thân nhé!”
Nước Đức
Giờ đây, mỗi khi ngồi trên xe buýt hay tàu hỏa và nhân viên soát vé đi
qua, tôi luôn phải nhắc nhở bản thân rằng: Không, viên chức này không muốn bắt nhốt
mình... Thực tế, tôi có thể đi khắp thế giới như bất cứ một công dân tự do nào
khác. Một trong những điểm đến đầu tiên của tôi là Bộ Ngoại giao ở Stockholm,
sau đó là Nghị viện châu Âu ở Brussels, nơi tôi đã đưa ra bằng chứng với tư
cách là nhân chứng chính về những trải nghiệm của tôi trong các trại.
Có lẽ, thật là tốt khi cuốn sách này được xuất bản lần đầu bằng tiếng
Đức. Nước Đức có một lịch sử bi thảm khi dính líu đến chủ nghĩa phát xít, nhưng
khác với Trung Quốc, quốc gia này đã dũng cảm đối mặt với quá khứ đen tối của
mình, khám phá lí do vì sao những chuyện đó lại xảy ra và học hỏi từ chúng. Mặt
khác, Trung Quốc chỉ đơn thuần là viết lại lịch sử của mình, bởi lẽ bằng không
nó có thể gây nguy hại cho Đảng và chính phủ. Đức là một đất nước hùng mạnh với
một hệ thống chính trị hiệu quả cao. Nhờ sự hỗ trợ của vô số các chính khách
quốc tế cũng như các tổ chức nhân quyền khác nhau mà tôi và gia đình đã tìm
được nơi trú ngụ mới ở một đất nước tự do.
Phàm là con người, tất cả chúng ta đều sống trên cùng một hành tinh và
trong cùng thế kỷ 21, nhưng ở quê hương tôi, một phần lớn dân số bị cắt đứt với
phần còn lại của thế giới và bị chối bỏ các quyền cơ bản. Đối với một người coi
nền dân chủ và nhân quyền là lẽ đương nhiên, sẽ khó lòng hiểu được những gì
chúng tôi phải đối mặt hằng ngày tại Đông Turkestan.
Có một chương trình truyền hình rất nổi tiếng của Trung Quốc là “Thám
hiểm phương Tây”, minh họa hoàn cảnh của chúng tôi thật hoàn hảo. Đảng Cộng sản
sử dụng các nhân vật chính để chứng tỏ ưu thế của chính mình, vì không ai sáng
suốt hoặc mạnh mẽ hơn Đảng. Trong chương trình, một pháp sư đi đến nhiều nước
phương Tây nhất có thể theo lệnh của một vị vua, nghiên cứu phong tục và lối
sống của họ. Phương Tây được mô tả dưới một cách nhìn khủng khiếp: lạc hậu,
phiến diện và yếu ớt. Lầm lạc trong hỗn loạn và đổ máu.
Khi pháp sư khoanh một vòng tròn quanh người ta bằng cây đũa thần thì mọi
người bên trong đều lọt vào vòng phép thuật của ông ta. Không ai dám mạo hiểm
vượt ra ngoài vòng tròn. Những tù nhân này không còn được tự do ra vào, không
còn được tự do suy nghĩ nữa; họ đã quên rằngmình là con người với các quyền
bình thường của con người. Đơn giản là họ chấp nhận mọi thứ, như những con cừu tế
thần, bất kể điều gì xảy ra với họ. Họ không có sự lựa chọn nào. Họ đang cố tồn
tại - tựa như người dân ở tỉnh Tây Bắc Trung Quốc.
Tôi vẫn phải làm quen với cảm giác rằng tôi có thể ra ngoài hoặc đi
quanh nhà mình mà không bị giám sát. Lần đầu trong đời tôi được chứng kiến và
trải nghiệm một người có thể được phép sống với phẩm giá của mình như thế nào.
Ở Đông Turkestan, mọi mẩu vụn thông tin đều bị kiểm soát. Sách và tạp chí chưa
được kiểm duyệt, cũng như các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và
WhatsApp, đều bị cấm. Mặc dù đã sống ở Thụy Điển vài tháng, tôi vẫn cảm thấy áp
lực mà chúng tôi phải chịu mỗi ngày. Nỗi sợ hãi thường trực cho người thân, chồng
con, và chính bản thân. Đôi khi tôi thấy mình đang liếc qua vai ngoài phố, ngờ
ngợ tự hỏi: “Ai trông như người châu Á ở sau lưng tôi vậy? Anh ta có phải là an
ninh chìm Trung Quốc hay không? Anh ta đang theo dõi tôi chăng?” Tầm với của Đảng
Cộng sản rất đáng sợ. Nó có thể sờ tới những người bất đồng chính kiến ở bất cứ
đâu, kể cả ở Đức.
Tại Đông Turkestan, có cảm giác như dân bản địa đang sống trong một nhà
thương điên, một nơi chẳng có gì còn ý nghĩa. Nhưng nếu bạn luôn bận tâm để không
đi những bước sai lầm vì sợ bị trừng phạt, thì bạn sẽ không còn thời giờ đâu để
đặt câu hỏi. Sự việc ngày nay tôi được tự do và có thể hỏi những câu hỏi quan
trọng này là một món quà từ Thượng đế: vì sao hàng trăm ngàn người vô tội lại
bị tra tấn và giết hại mà không có bất cứ hậu quả nào? Làm thế nào ai đó có thể
làm những điều kinh khủng như vậy đối với người khác? Đấy chỉ có thể là vì họ
tự coi mình là một chủng tộc vô cùng vượt trội và có giá trị hơn, đó chính là
điều mà ĐCSTQ và tổng bí thư Tập Cận Bình đang rao giảng với một tinh thần dân
tộc chủ nghĩa nhiệt thành như vậy. Ngày nay, các quốc gia khắp toàn cầu đều có
mối liên hệ chặt chẽ với nhau, vậy tại sao họ lại cho phép những vi phạm nhân
quyền này tiếp tục diễn ra một cách không kiểm soát? Tôi không mong gì hơn là
một số lực lượng bên ngoài, công bằng hơn, sẽ can thiệp để ngăn chặn điều này
trong tương lai.
Khi người dân ở các quốc gia khác nghĩ về Trung Quốc, họ thường hình
dung về một đất nước văn minh, tiên tiến và đạt được thành công to lớn về kinh
tế. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, với số tiền khổng lồ được một trong
những cỗ máy tuyên truyền mạnh mẽ nhất thế giới đầu tư để đất nước nhìn từ bên
ngoài trông có vẻ như một xã hội công nghệ cao chói sáng, tương đối bình
thường. Các phương tiện truyền thông nhà nước làm thinh về tất cả những sự thật
xấu xa và khó chịu đằng sau nhận thức này, nhưng chất độc ở bên dưới như vết
mưng mủ. Người dân Trung Quốc nhận thức được rằng chính phủ thường xuyên lừa
dối họ, nhưng người dân phương Tây có nhận ra điều đó hay không? Hay họ đang
cho phép mình bị lóa mắt trước mặt tiền lấp lánh?
Tôi hi vọng rằng mọi người sẽ hiểu rõ hơn về bản chất và ý đồ thật sự
của chế độ ấy. Rằng họ sẽ tự bảo vệ mình khỏi mối đe dọa của chế độ chuyên chế
và củng cố nền dân chủ của họ. Thế giới quan của riêng tôi đã hoàn toàn thay
đổi kể từ khi vào trại. Trước đây, tôi chủ yếu lo lắng về việc tuân thủ và
không vi phạm bất kì quy tắc nào, vì vậy tôi sẽ không bị trừng phạt.
Mục tiêu chiến dịch của Trung Quốc là đạt được sự kiểm soát chính trị
đối với toàn thế giới. Đấy là lí do vì sao lời khuyên của tôi cho tất cả các
quốc gia khác là: “Đừng rời mắt khỏi Đông Turkestan! Đấy là cách mà con cháu
của quý vị sẽ sống trong tương lai nếu quý vị không bảo vệ quyền tự do của
mình!” Trung Quốc hiện là một quốc gia thương mại lớn nhất hành tinh, không
thúc đẩy các mối quan hệ thân thiện cũng như trao đổi cởi mở. Trong thế giới
chính trị không rõ ràng của ĐCSTQ, không có gì xảy ra mà không có động cơ thầm kín.
Và bất cứ nơi nào ảnh hưởng của Bắc Kinh đang gia tăng, sự dối trá bắt
đầu mọc lên như cỏ dại và bóp nghẹt sự thật.
Đe dọa và hi vọng
Thoạt tiên, gia đình tôi cảm thấy rất cô đơn ở Thụy Điển, nơi ở mới của
chúng tôi cách xa tất cả bạn bè và người thân. Tuy nhiên, trong những tuần gần
đây, chúng tôi không còn thời gian để cảm nhận điều đó. Cho đến nay, các phóng
viên từ khoảng 40 nước đã đến căn hộ của chúng tôi để nói chuyện về những trải
nghiệm của tôi trong trại. Nhưng tôi chưa bao giờ kể câu chuyện của mình đầy đủ
chi tiết như trong cuốn sách này.
Thông thường, các nhà báo còn chưa kịp đi khỏi thì điện thoại của chúng
tôi đổ chuông và tôi bị đe dọa. “Đừng nói nữa! Hãy nghĩ đến những đứa con của bà!”
Đôi khi những người đàn ông đó nói tiếng Thụy Điển, có khi là tiếng Kazakhstan,
và những lần khác là tiếng Trung. Mỗi lần như vậy, cảnh sát Thụy Điển đều trấn
an chúng tôi sau đó: “Đừng lo lắng, đây không phải là Trung Quốc!” Họ tiếp tục
cố gắng khích lệ chúng tôi. “Chỉ cần cố giữ một cuộc sống bình thường. Bạn có
các quyền tương tự bất cứ người dân Thụy
Điển nào. Chúng tôi đang bảo vệ bạn ngay cả khi bạn không thấy một xe tuần tra nào
bên ngoài. Chỉ có điều chúng tôi không thể cho bạn biết chúng tôi đang làm gì.”
Theo thời gian, tôi trở nên tự tin hơn trong việc giao tiếp với những
người lạ ở đầu dây bên kia. “Các ông có thể tiếp tục làm phiền chúng tôi bằng
những cuộc gọi,” tôi nói với họ, “nhưng các ông không thể làm gì chúng tôi!”
Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục cố bẻ gãy tinh thần của chúng tôi. Gần đây, tôi nghe
nói về một tin nhắn mà một trong những đặc vụ chìm đó để lại trên trang
Facebook của một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ: “Hãy dừng lại nếu không họ sẽ tìm thấy xác
bà bị cắt thành nhiều mảnh nhỏ trong thùng rác màu đen bên ngoài nhà bà.” Đấy
là người phụ nữ đã phát hành tài liệu “China Cables” sau khi một quan chức
Trung Quốc tiết lộ bí mật cho bà ấy. Nhờ lòng dũng cảm của người phụ nữ Duy Ngô
Nhĩ này, giờ đây có bằng chứng mới mẻ và không thể chối cãi được về sự đàn áp
có hệ thống đối với các nhóm thiểu số Hồi giáo trong các trại cải tạo. Ngay cả
Bắc Kinh cũng không bác bỏ tính xác thực của những tài liệu mật này.
Thông thường, các cuộc gọi đe dọa là từ Trung Quốc. Một lần, số hiển thị
trên màn hình cho thấy cuộc gọi có nguồn gốc từ các mật vụ ở Bắc Kinh. “Tại sao
ông gọi cho tôi?” Tôi hỏi. “Tôi chỉ muốn biết bà sống như thế nào,” một giọng
nam trả lời. “Tôi biết đích xác nơi bà sống. Bà đã ổn định tốt cuộc sống chưa? Con
cái bà định làm gì? ” Tôi cố giữ bình tĩnh: “Mọi thứ ở đây đều tuyệt vời, chúng
tôi rất vui.”
“Nếu mọi thứ đều tuyệt như vậy, sao bà không ngừng nói chuyện với các
nhà báo? Hãy vui mừng vì bà vẫn còn sống, và đừng nói về những gì thuộc về quá
khứ.”
“Tôi sẽ không bao giờ dừng lại,” tôi trả lời, “và vì ông đang làm việc ở
Bắc Kinh, sao ông không đến gặp lãnh đạo Đảng của ông và yêu cầu ông ta ngừng
tra tấn những người trong các trại đó một lần và mãi mãi.” Lần này, giọng anh ta
trở nên lạnh lùng và cứng rắn. “Hãy thôi ngay những cuộc trò chuyện với các nhà
báo! Hãy nghĩ đến những đứa con của bà!” Họ luôn kết thúc bằng những lời ấy.
Tôi thường xuyên sống trong nỗi lo sợ cho con cái mình, những đứa trẻ là thứ
quan trọng nhất với tôi trên đời này.
Không có gì ngạc nhiên khi những lời đe dọa đó thường khiến tôi cảm thấy
mình vô cùng nhỏ bé, và tôi nghĩ: Chúng ta có cơ hội nào để chống lại một đối
thủ mạnh mẽ như vậy? Nhưng tôi không chỉ mắc nợ các tù nhân trong trại mà còn với
vô số những người ủng hộ tôi ở Kazakhstan để nói lên sự thật. Quá nhiều người ở
đó đang tuyệt vọng: con cái, cha mẹ, ông bà họ đã biến mất không dấu vết vào
các trại ở nước láng giềng Trung Quốc. Đối thủ của chúng tôi mạnh đến đâu không
quan trọng. Chúng tôi không đời nào có thể ngừng nói ra. Có lẽ một ngày nào đó
chúng tôi sẽ bắt đầu một phong trào có thể chấm dứt sự lạm quyền ghê tởm của
Trung Quốc.
Đã bao lâu rồi kể từ lần cuối cùng tôi cảm thấy tự do? Khi còn thơ, tôi lớn
lên với những người Kazakhstan. Chúng tôi có trường học riêng, truyền thống
riêng và chúng tôi chỉ nói tiếng Kazakhstan, bởi vì phía đông bắc của Đông
Turkestan là vùng đất của tổ tiên chúng tôi, mà người Trung Quốc gọi là “Khu tự
trị Kazakh ở Tân Cương”.
Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ai đó có thể cướp mất quê hương của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét