Ghi chép 8
Chủ đề:
Căn số vô
tỉ. R-13. Tam giác.
Chuyện xảy ra đã lâu rồi, vào thời còn đi học, khi
lần đầu tôi gặp căn bậc hai của (-1). Tôi nhớ
như in, thật rõ ràng: phòng học hình cầu sáng trưng, hàng trăm cái đầu tròn xoe
của lũ con trai - và Plyapa, thầy dạy toán của chúng tôi. Chúng tôi đặt biệt
hiệu cho thầy là Plyapa, thầy được dùng đi dùng lại nhiều lần, khá xộc xệch, và
khi học sinh trực nhật cắm phích cắm điện đằng sau thì bao giờ cũng bắt đầu phát
ra từ loa một tràng "Plya-plya-plya-tshshsh", sau đó mới là bài
giảng. Một lần Plyapa giảng về số phức, tôi nhớ mình đã khóc, đấm nắm tay thình
thịch xuống bàn và gào ầm lên: "Em không muốn
căn bậc hai của (-1)! Đem căn bậc hai của (-1)
ra khỏi đây!" Căn số vô tỉ ấy bén rễ
trong tôi như một thứ gì lạ lẫm, khác nòi, khủng khiếp, nó ngốn ngấu tôi, không
thể hiểu nổi nó, không thể vô hiệu hóa, bởi vì nó là vô tỉ.
Và bây giờ lại là căn bậc hai của (-1)
. Tôi xem
lại toàn bộ ghi chép của mình và thấy rõ: tôi đang giở mánh khóe, tự lừa mình,
cốt để khỏi thấy căn bậc hai của (-1). Toàn
chuyện vớ vẩn - nào là bệnh với vân vân và vân vân: tôi đã có thể đến đó - tôi
biết chắc là một tuần lễ trước mình đã đến đó ngay chẳng hề do dự. Sao bây
giờ... tại sao chứ?
Hôm nay cũng thế. Đúng 16 giờ 10, tôi đứng trước bức
tường kính lấp lánh. Phía trên tôi, dòng chữ bằng vàng chói ánh mặt trời tinh
khiết trên tấm biển của Phòng Bảo Vệ. Sâu bên trong qua lớp kính, một hàng dài
những bộ đồng phục xanh nhạt. Những gương mặt bừng sáng như những ngọn đèn
trong nhà thờ thời cổ: họ đến để lập công, họ đến để phản bội lại người iêu,
bạn bè, bản thân trước bàn thờ Quốc Gia Thống Nhất. Còn tôi - tôi thiết tha
nhập bọn với họ. Và chẳng thể nào: hai chân cứ chôn chặt vào những phiến thủy
tinh - tôi đứng đờ đẫn ngó, không đủ sức nhích khỏi chỗ...
- Ê, nhà toán học, mơ màng gì thế!
Tôi giật mình. Đôi mắt đen, ánh vẻ cười cợt, cặp môi
dầy như của người da đen hướng vào tôi. Nhà thơ R-13, người bạn cũ, và O hồng
hồng đi với anh ta.
Tôi giận dữ quay lại (thầm nghĩ nếu họ không quấy
rầy, có khi tôi đã tách li được
căn bậc hai của (-1) khỏi da thịt và bước vào Phòng).
- Chẳng mơ màng gì cả, hay cứ cho là say đắm cũng
được nếu muốn - tôi trả lời khá gay gắt.
- Phải rồi, phải rồi! Bạn thân mến, anh không nên là
nhà toán học mà phải là nhà thơ, nhà thơ ạ! Ê, sao không chuyển sang nhóm nhà
thơ bọn tôi hả? Nếu thích, tôi thu xếp trong nháy mắt, hả?
R-13 nói liên tu bất tận như bị nghẹn thở, lời của
anh tuôn tung tóe khỏi cặp môi dầy; mỗi chữ "nh" như một vòi phun,
"nh...nhà thơ" - cũng như một vòi phun.
- Tôi phục vụ và sẽ phục vụ cho kiến thức, - tôi
nhăn nhó: tôi không hiểu và không thích đùa, còn R-13 lại có thói xấu hay đùa.
- Ái chà chà, kiến thức! Kiến thức của anh chỉ là
hèn nhát. Đúng thế chứ còn gì. Đơn giản là anh chỉ muốn dựng bức tường ngăn vô
tận và không dám nhìn qua bức tường đó. Phải! Cứ thử nhìn qua xem, nhắm tịt mắt
lại ngay. Phải!
- Những bức tường - đó là nền tảng của mọi con
người... - tôi bắt đầu.
R - tóe ra những vòi nước, O - cười tròn xoe, hồng
hồng. Tôi khoát tay: cứ cười vô tư đi. Chẳng nghĩa lí gì với tôi. Tôi còn phải
nghiền ngẫm thứ khác, còn phải triệt tiêu cái căn bậc hai của (-1)
đáng nguyền rủa này.
- Hay là, - tôi đề xuất, - đến phòng tôi đi, chúng
ta sẽ giải toán (tôi nhớ lại giờ phút iên tĩnh tối hôm qua - có lẽ, hôm nay
cũng sẽ như thế).
O liếc nhìn R; rõ ràng, nàng tròn mắt nhìn tôi, đôi
má phớt hồng như màu những tờ phiếu dịu dàng và xúc động của chúng tôi.
- Nhưng hôm nay... Hôm nay em có phiếu của ông ấy, -
nàng gật đầu qua R, - còn buổi tối ông ấy bận... Vậy thì...
Đôi môi ướt, bóng nhoáng của R vui vẻ mấp máy:
- Ái chà, tôi và cô ấy chỉ cần nửa tiếng thôi. Phải
không, O? Còn bài tập toán của anh - tôi không ham, hay là đến phòng tôi đi.
Tôi thấy sợ phải ở lại với chính mình, hay đúng hơn,
với "tôi" xa lạ này, người có mã số D-503 i hệt như tôi do một sự
tình cờ lạ lùng. Và tôi đến chỗ anh ta, R. Thật ra, anh ta không chính xác,
không nhịp nhàng, anh ta có lối lí luận chế diễu, lộn trái gan ruột, tuy nhiên
chúng tôi là bạn bè. Chẳng phải vô cớ mà ba năm trước chúng tôi cùng chọn O
hồng hồng iêu quý này. Điều này như sợi dây ràng buộc chúng tôi còn hơn những
năm cùng học.
Tiếp đó, lên phòng R. Mọi thứ dường như cũng i hệt
như ở phòng tôi: Bảng Giờ, bàn, ghế, tủ, giường bằng thủy tinh. Nhưng vừa bước
vào phòng, R di chuyển hết ghế dựa này rồi ghế dựa khác, khiến những mặt phẳng
bị xáo trộn, mọi thứ lệch ra khỏi tỉ lệ được xác lập, trở nên phi Euclid. Anh
chàng R này xưa nay vẫn thế. Về môn toán và lí thuyết Taylor khi nào cũng đứng
bét lớp.
Chúng tôi nhớ lại Plyapa già nua: bọn trẻ chúng tôi
lúc nào cũng dán những mẩu phiếu cám ơn đầy hai chân bằng thủy tinh của thầy
(chúng tôi iêu quý Plyapa). Chúng tôi hồi tưởng giáo viên Luật (tất nhiên,
không nói về Giáo Luật hay "Luật Chúa Trời" của người xưa, mà là luật
của Quốc Gia Thống Nhất). Giáo viên Luật của chúng tôi có giọng nói sang sảng
lạ thường - cứ như gió ù ù qua loa phóng thanh - còn bầy trẻ chúng tôi, khản
giọng hét theo lời thầy. Có lần thằng bé bất kham R-13 nhét giấy nhai nát vào
ống loa, khiến cho thay vì lời giảng, giấy vụn bắn ra lả tả. Lẽ dĩ nhiên, sau
đó R bị phạt, những gì nó làm đương nhiên là rất tệ, nhưng bây giờ chúng tôi
nhớ lại và cười ngặt nghẽo - hình tam giác của chúng tôi - và tôi thú nhận mình
cũng vậy.
- Sẽ ra sao nếu như ông ta còn sống như người xưa,
hả? Gi...giá như... - chữ "gi" như vòi phun tuôn qua đôi môi dầy mấp
máy...
Ánh mặt trời xuyên qua trần nhà, những bức tường;
mặt trời bên trên, bên hông, phản chiếu bên dưới. O ngồi trên lòng R-13, và
những giọt nắng tí hon lấp lánh trong đôi mắt biếc của nàng. Tôi thấy ấm áp và
nguôi ngoai ít nhiều, căn bậc hai của (-1) đã lịm dần, không còn nhúc nhích nữa...
- Thế nào, tàu Tích Phân của anh đến đâu rồi? Ta sắp
sửa bay đi khai hóa cho những cư dân hành tinh khác, đúng không? Này, các anh phải
khẩn trương lên! Không là đám nhà thơ chúng tôi sẽ chất đầy tàu với những sáng
tác đến mức nó không thể cất cánh nổi. Mỗi ngày từ 8 đến 11 giờ... R lúc lắc
đầu, gãi gáy: gáy của anh ta như chiếc va-li vuông nhỏ buộc phía sau đầu (khiến
tôi nhớ đến bức tranh cổ "trên xe ngựa").
Tôi sống động hẳn:
- Này, anh cũng sáng tác cho tàu Tích Phân hả? Về gì
thế? Kể xem, hôm nay chẳng hạn.
- Hôm nay chưa viết được gì, Tôi bbb...bận việc
khác... - chữ "b" tuôn xối xả vào tôi.
- Bận việc gì?
R nhăn nhó:
- Gì, gì! Thôi được, nếu anh muốn biết - việc xử án.
Làm thơ ca ngợi xử án. Một gã thộn, trong đám nhà thơ bọn tôi... Hai năm ngồi
cạnh hắn, tuồng như chẳng có gì. Thế rồi bỗng dưng: "Tôi là thiên tài -
hắn bảo - thiên tài đứng trên cả luật". Lại còn hét toáng lên... Ôi dào,
chán gì đâu!
Cặp môi dầy trễ xuống, ánh tinh quái trong mắt biến
mất. R-13 bật dậy, quay người, nhìn chằm chằm qua bức tường. Tôi nhìn chiếc
va-li nhỏ khóa chặt của anh ta và nghĩ: anh ta chứa gì trong cái va-li ấy?
Một phút im lặng ngượng ngùng, không đối xứng. Tôi
không rõ chuyện gì xảy ra, nhưng có gì đó không ổn.
- May thay, cái thời cổ hủ của các ông Shakespear và
các ông Dostoyevsky, hay là gì gì đó, đã qua rồi, - tôi cố í nói lớn.
R quay mặt lại. Những lời vẫn tung tóe tuôn trào từ
miệng anh, song tôi thấy ánh vui vẻ lấp lánh trong mắt ánh đã không còn.
- Phải, nhà toán học iêu quý, may thay, may thay,
may thay! Chúng ta là trung bình cộng số học hạnh phúc nhất... Như dân toán các
anh thường nói: lấy tích phân từ 0 đến vô cực, từ thằng đần đến Shakespear...
Vậy đấy!
Không rõ vì sao - dường như hoàn toàn không phải
nhân tiện - tôi nhớ lại giọng của nàng, sợi chỉ mong manh nào đó nối liền giữa
nàng và R. (Sợi chỉ nào?)
Căn bậc hai của (-1) lại ngọ nguậy. Tôi mở huy hiệu: kém 16 giờ 25.
Họ còn 45 phút cho phiếu hồng.
- Thôi, tôi phải đi đây... - tôi hôn O, bắt tay R,
bước ra thang máy.
Trên đại lộ, sau khi đã băng qua đường, tôi ngoái
lại: trong khối nhà bằng kính ánh nắng xuyên qua sáng trưng - rải rác đó đây
những ô tối xanh xám được buông rèm - những ô cửa hạnh phúc nhịp nhàng theo
công thức Taylor. Tôi đưa mắt lên tầng 7 và tìm thấy ô cửa của R-13: anh ta đã
buông rèm.
O iêu quý... R iêu quý... Trong anh ta cũng có
(chẳng rõ vì sao "cũng", nhưng mặc kệ viết thế thì cứ thế) - trong
anh cũng có gì đó, không hoàn toàn rõ ràng với tôi. Xét cho cùng, tôi - R - O,
chúng tôi là một tam giác, cho dù không đều nhưng vẫn là tam giác. Chúng tôi,
nếu nói bằng ngôn ngữ của tổ tiên (có lẽ các bạn, những độc giả ở hành tinh
khác, cũng hiểu ngôn ngữ đó), chúng tôi là một gia đình. Và thật dễ chịu khi
thỉnh thoảng được nghỉ ngơi, dù ngắn ngủi, trong hình tam giác đơn giản, bền
chặt, cách li khỏi mọi thứ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét