Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Những mẩu chuyện Kolyma (V)


Phạm Ngọc dịch từ nguyên tác tiếng Nga trong "Những mẩu chuyện Kolyma" của Varlam Shalamov, Nxb Exmo-Press 2007
Thánh tông đồ Pavel
Khi tôi bị trật khớp bàn chân do trượt ngã khỏi chiếc thang trơn tuột làm từ những cây sào trong giếng khoan thăm dò, sếp quản giáo biết rõ là tôi còn phải khập khiễng khá lâu, và vì không được để ai ăn không ngồi rồi, họ điều tôi làm thợ phụ cho thợ mộc Adam Frizorger, cả hai chúng tôi - Frizorger và tôi - đều rất vui mừng.
Trong quãng đời trước kia của mình, Frizorger từng là mục sư tại một ngôi làng kiều dân Đức nào đó gần Marxstadt bên bờ Volga. Tôi gặp ông trong một đợt chuyển trại lớn vào thời gian cách li vì bệnh chấy rận và cùng đến đây, khu vực thăm dò than đá. Frizorger, cũng như tôi, đã từng ở taiga, trong trạng thái kiệt quệ và nửa điên nửa tỉnh ở khu mỏ khi chuyển trại. Họ chuyển chúng tôi đến khu vực thăm dò than đá như những kẻ tàn tật, những người phụ trợ - trong khi đội ngũ công nhân "biên chế" được tập hợp từ những người làm thuê tự do. Thật vậy, đó là những người đã từng bị tù, vừa mới mãn "khóa", hay mãn hạn, và được gọi trong trại bằng cái tên bán tín bán nghi là "bọn tự do". Tại thời điểm chuyển trại trong số bốn chục người làm thuê tự do này khó mà đào đâu ra được hai rúp khi cần mua thuốc lá, nhưng nói cho cùng đó không phải những người anh em bạn tù của chúng tôi. Mọi người đều hiểu là sau hai ba tháng nữa, họ sẽ rũ bỏ quần áo tù, có thể uống đến say, được cấp hộ chiếu, và có lẽ, sau một năm sẽ về nhà. Những tia hi vọng ấy còn ngời ngời lên hơn khi Paramonov, trưởng đoàn thăm dò, hứa hẹn với họ những khoản thu nhập lớn và khẩu phần ăn hoàn toàn khác hẳn. "Các cậu sẽ tươm tất khi về nhà", - thủ trưởng thường xuyên nhấn mạnh với họ như đinh đóng cột. Với chúng tôi, những tù nhân, không có chuyện về quần áo và khẩu phần ăn tươm tất.
Nói chung, ông ta không thô lỗ với bọn tôi. Người ta không cấp cho ông tù nhân, mà là năm người phục vụ - đó là tất cả những gì Paramonov có thể nhận được khi đề đạt với cấp trên.
Khi chúng tôi, còn chưa biết nhau, được gọi từ lán theo danh sách và trình diện trước đôi mắt sáng và thấu suốt của ông, ông hoàn toàn hài lòng về việc thẩm vấn. Một người trong bọn là thợ đốt lò, một tay hóm hỉnh người vùng Yaroslav, có bộ ria bạc, tên Izgibin, chưa đánh mất sự lanh lợi bẩm sinh trong trại. Bản lĩnh đã giúp anh ta phần nào, và trông anh ta không kiệt quệ như những người còn lại. Người thứ hai là gã khổng lồ chột mắt vùng Kamenets-Podolsk - "thợ lò hơi đầu tàu hỏa", như được giới thiệu với Paramonov.
- Nghĩa là có thể biết chút ít công việc của thợ nguội, - Paramonov bảo.
- Vâng, có thể ạ, - tay thợ lò hơi hào hứng khẳng định. Từ lâu anh ta đã hình dung ra cái lợi của công việc như thợ làm thuê tự do.
Người thứ ba là kĩ sư nông học Ryazanov. Chuyên môn này khiến Paramonov rất khoái chí. Tất nhiên bộ đồ giẻ rách của tay kĩ sư nông học này chẳng có gì đáng gây chú í cả. Song trong trại người ta không đánh giá kẻ khác theo trang phục, và Paramonov khá rành về trại cải tạo.
Người thứ tư là tôi. Tôi không phải thợ đốt lò, không phải thợ nguội, cũng chẳng phải kĩ sư nông học. Nhưng vóc dáng cao lớn của tôi rõ ràng khiến Paramonov iên tâm, hơn nữa chẳng đáng gì phải sửa lại cả danh sách chỉ vì một gã. Ông gật đầu.
Tuy nhiên người thứ năm trong bọn có cử chỉ rất lạ lùng. Ông ta lẩm nhẩm cầu nguyện và lấy tay che mặt, không nghe lời Paramonov nói. Nhưng thủ trưởng cũng chẳng lấy thế làm lạ. Paramonov quay sang người phụ trách phân công đang đứng đó, giữ trong tay chồng bìa kẹp màu vàng - được gọi là "hồ sơ cá nhân".
- Anh ta là thợ mộc, - người phụ trách nói, đoán được câu hỏi của Paramonov. Việc tiếp nhận hoàn thành, người ta đưa cả bọn tôi đến khu thăm dò mỏ than.
Frizorger sau này kể lại với tôi là khi được gọi lên, ông cứ nghĩ người ta đem ông đi bắn, cán bộ điều tra đã dọa ông như thế khi còn ở khu mỏ. Chúng tôi sống cùng lán suốt một năm, và chưa lần nào cãi nhau. Đó là chuyện hiếm có giữa bọn trong trại cải tạo cũng như trong tù. Cãi nhau thường phát sinh vì những chuyện vớ vẩn chả ra đâu vào đâu, ngay lập tức chửi bới hăng đến mức, dường như tiếp theo chỉ còn mỗi nước giải quyết bằng dao, chứ bằng que cời lò sưởi là còn tốt chán. Tôi nhanh chóng học được cách không coi nặng lời chửi bới. Hạ nhiệt mau chóng, và nếu như cả hai còn tiếp tục chửi qua chửi lại một cách uể oải, thì đó chẳng qua chỉ cho có lệ, gọi là giữ "thể diện".
Nhưng với Frizorger tôi chưa hề cãi nhau lần nào. Tôi nghĩ, đó là do công lao của Frizorger, hoặc giả chưa có ai hòa nhã như ông. Ông chẳng mạt sát ai bao giờ, rất ít nói. Giọng ông già dặn, du dương, song sự du dương như cố tình nhấn nhá. Giọng của những kịch sĩ trẻ trong nhà hát khi đóng vai ông già. Trong trại nhiều người cố tỏ vẻ già dặn và iếu sức khỏe hơn thực tế (và họ cũng khá thành công). Tất cả điều đó được thể hiện không phải lúc nào cũng do cố í tính toán, mà là do bản năng. Đời trớ trêu thay, ở đây quá nửa số người tự tăng tuổi đời và tự giảm sức lực lại lâm vào tình trạng còn nặng nề hơn như họ muốn tỏ ra.
Tuy nhiên, không có chút xíu giả vờ nào trong giọng nói của Frizorger.
Mỗi sáng và mỗi tối ông đều lầm rầm cầu nguyện, quay lưng lại phía mọi người và nhìn chăm chăm xuống sàn, còn nếu như có tham gia câu chuyện chung thì chỉ nói về đề tài tín ngưỡng, có nghĩa là rất hiếm khi, vì đám tù không thích đề cập đến chuyện tín ngưỡng. Lão Izgibin, một tay chuyên ăn nói thô tục, đã toan chọc ghẹo Frizorger, nhưng lời châm chích của lão đụng phải nụ cười hiền lành của Frizoger cứ như thể thuốc súng mà đem nhúng nước. Cả đội đều iêu mến Frizorger, kể cả Paramonov, người mà Frizorger đã hì hục cả nửa năm trời để đóng tặng cái bàn giấy tuyệt đẹp.
Giường chúng tôi sát nhau, chúng tôi thường trò chuyện, đôi lúc Frizorger tỏ vẻ ngạc nhiên, khua đôi bàn tay nhỏ nhắn một cách trẻ con, khi bắt gặp ở tôi kiến thức phổ thông nào đó về lịch sử phúc âm - những hiểu biết, mà theo tâm hồn giản dị của ông, chỉ được phổ biến trong nhóm tín ngưỡng hẹp. Ông cười hì hì và rất hài lòng khi tôi cũng có những hiểu biết tương tự. Và trong lúc hứng chí, ông bắt đầu giảng cho tôi nghe về phúc âm, những điều tôi không nhớ rõ hoặc chưa biết bao giờ. Ông rất thích những cuộc trò chuyện như thế.
Nhưng một bận, Frizorger bị nhầm lẫn khi kể tên mười hai vị tông đồ. Tôi gọi tên thánh tông đồ Pavel. Với sự tự tin về hiểu biết của mình và luôn cho rằng tông đồ Pavel là người thực sự sáng lập đạo Thiên chúa, là lãnh tụ giáo lí căn bản, thêm hiểu biết đôi chút về tiểu sử của tông đồ này, tôi không bỏ lỡ cơ hội để sửa sai Frizorger.
- Không, không, - Frizorger cười bảo - anh chưa rõ. - Và ông bắt đầu gập từng ngón tay. - Này, Peter, Paul, Marcus...
Tôi kể cho ông nghe tất tật những gì biết được về tông đồ Pavel. Ông lắng nghe tôi rất chăm chú không thốt một lời. Đã khá khuya, cần phải đi ngủ. Suốt đêm, khi tôi đã chợp mắt, trong ánh đèn dầu lập lòe khói tỏa, đôi mắt Frizorger mở thao láo, tôi thoảng nghe tiếng thì thầm: "Lạy Chúa, xin Người cứu rỗi! Peter, Paul, Marcus..." Ông thức cho đến sáng. Sáng dậy, ông ra chỗ làm sớm, và chiều tối về lán rất muộn, khi tôi đã ngủ rồi. Tôi thức giấc vì tiếng thổn thức âm thầm. Frizorger đang quỳ gối và cầu nguyện.
- Ông sao vậy? - Đợi đến hết buổi cầu nguyện tôi mới hỏi ông.
Frizorger lần bàn tay tôi và nắm chặt.
- Anh đúng, - ông bảo. - Paul không phải trong số mười hai tông đồ. Tôi quên về thánh Bartholomew.
Tôi im lặng.
- Anh ngạc nhiên vì sao tôi khóc? - ông bảo - Thật đáng hổ thẹn. Tôi không thể, không được phép quên những điều này. Tội lỗi, thật tội lỗi. Tôi, Adam Frizorger, đã để người khác vạch ra lỗi lầm không thể nào tha thứ được. Không, không, anh không hề có lỗi gì, người có lỗi chính là tôi, tội của tôi. Song thật là tốt khi anh đã sửa cho tôi. Mọi việc sẽ tốt đẹp.
Tôi khó mà làm ông iên lòng, và từ khi ấy (trước khi tôi bị trật chân chưa được bao lâu) chúng tôi trở thành đôi bạn thân thiết.
Một lần, khi trong xưởng không có ai, Frizorger móc từ trong túi áo cái ví bằng vải cáu bẩn và ngoắc tôi ra phía cửa sổ.
- Xem này, - ông nói, chìa cho tôi xem tấm ảnh chụp lấy liền nhỏ xíu có nếp gấp. Đó là ảnh một phụ nữ trẻ, với vẻ mặt rất tình cờ như mọi tấm ảnh chụp lấy liền khác. Tấm ảnh nứt nẻ ố vàng được dán cẩn thận lên tấm giấy màu.
- Con gái tôi đấy, - Frizorger nói, vẻ trịnh trọng. - Cô con gái duy nhất. Vợ tôi mất sớm. Con gái không viết thư cho tôi, chắc là không biết địa chỉ. Tôi viết thư cho nó rất nhiều, bây giờ vẫn viết. Chỉ mỗi cho nó thôi. Tôi chưa cho ai xem tấm hình này. Tôi mang theo từ nhà. Sáu năm trước tôi lấy từ trong rương.
Paramonov bước qua cửa xưởng không một tiếng động.
- Con gái à? - ông ta hỏi, nhìn lướt qua tấm ảnh.
- Vâng, con gái, thưa thủ trưởng, - Frizorger mỉm cười đáp.
- Có viết thư không?
- Không ạ.
- Sao lại quên ông già thế nhỉ? Làm đơn đề nghị tìm người thân đi, tôi gửi cho. Chân anh sao rồi?
- Tôi vẫn cà nhắc, thưa thủ trưởng.
- Ừ, vẫn cà nhắc, cứ cà nhắc. - Paramonov bước ra.
Từ đó, không còn dấu diếm gì tôi, mỗi khi kết thúc cầu kinh buổi tối và đặt lưng xuống giường, Frizorger cầm tấm hình con gái và vuốt ve cái rìa màu.
Chúng tôi sống bình iên như thế gần nửa năm, cho đến một lần người ta chuyển bưu phẩm tới. Paramonov đi công tác và nhận bưu phẩm là thư kí của ông ta, Ryazanov, một trong số những tù nhân, lúc này hầu như không còn là kĩ sư nông học nữa, mà là chuyên gia về quốc tế ngữ; nói chung, điều đó cũng không cản trở anh ta khéo léo lột da ngựa chết, uốn cong ống sắt dầy bằng cách nhồi đầy cát vào bên trong và nung trên đống lửa, và sắp xếp công việc văn phòng của thủ trưởng.
- Xem đi, - anh ta bảo tôi, - người ta gửi cho Frizorger lá đơn như thế này đây.
Trong bì thư có công văn của nhà nước iêu cầu cho tù nhân Frizorger (tội danh, hạn tù) đọc bản sao đính kèm đơn đề nghị của con gái ông ta. Trong đơn, cô ta viết ngắn gọn và rõ ràng, sau khi tin chắc cha mình là kẻ thù của nhân dân, cô ta tuyên bố từ ông và đề nghị không công nhận mối quan hệ ruột thịt trước kia.
Ryazanov xoay xoay tờ giấy trong tay.
- Tởm thật, - anh bảo. - Cô ta cần thế làm quái gì nhỉ? Để vào đảng chắc?
Tôi lại nghĩ về chuyện khác: gửi cho người cha đang bị tù lá đơn như thế để làm gì? Phải chăng đó là một dạng gần như bạo dâm, tựa như thực tập báo tin cho người thân về cái chết giả của tù nhân, hoặc đơn giản là muốn thực hiện theo luật định? Hoặc là cái gì khác nữa chăng?
- Nghe này, Vanyuska, - tôi bảo Ryazanov. - Cậu đã vào sổ bưu phẩm chưa?
- Đã kịp đâu, vừa mới đến.
- Vậy đưa tớ phong bì đó. - Và tôi kể cho Ryazanov đầu đuôi câu chuyện.
- Còn bức thư? - anh ta nói, không tự tin cho lắm. - Có lẽ cô ta sẽ viết cho ông ấy.
- Cậu cũng giữ bức thư lại nhé.
- Này, cầm lấy.
Tôi vo nát phong bì và ném nó qua cửa lò sưởi đang cháy đỏ.
Một tháng sau có thư đến, bức thư ngắn, cũng giống như lá đơn, và chúng tôi cũng đốt nó trong cái lò sưởi ấy.
Chẳng bao lâu tôi bị chuyển đi, còn Frizorger ở lại, tôi không rõ ông ta sau này ra sao. Tôi thường nhớ về ông, những khi còn đủ sức để nhớ lại. Tôi nghe thấy giọng thì thầm run run đầy lo lắng của ông: "Peter, Paul, Marcus..."
1954

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét