ĐẠO: CON ĐƯỜNG KHÔNG LỐI
Phạm Ngọc dịch từ “Tao: The Pathless Path”, Renaissance Books, St.
Martin's Press, New York © 2002
Khi đang dùng bữa bên vệ đường trên hành trình đến
nước Vệ, Liệt Tử thấy một chiếc sọ người độ trăm tuổi. Bẻ một nhánh cây chỉ vào
chiếc sọ, quay sang môn đệ là Bách Phong ông bảo: “Chỉ ông ấy và ta biết rằng
anh bất sinh bất diệt. Phải chăng ông ấy thực sự đau khổ, phải chăng chúng ta
thực sự hạnh phúc?”
Tôi rất hoan hỉ về Liệt Tử – ông là một trong những
cách diễn giải hoàn hảo nhất cho điều không thể diễn giải được. Chân lí thì
không thể diễn giải được; tính không diễn giải được ấy là bản chất của chân lí.
Hàng ngàn ngàn người đã thử diễn giải – song rất ít người thành công, thậm chí
trong việc nêu ra một phóng chiếu của nó mà thôi. Liệt Tử là một trong số rất
ít những người đó; ông quả là người hiếm có.
Trước khi chúng ta bắt đầu bước vào thế giới của ông,
cần phải hiểu đôi điều về ông và về cách tiếp cận của ông. Cách tiếp cận của
ông là cách của một nghệ sĩ: nhà thơ, người kể chuyện – và ông là người kể
chuyện bậc thầy. Một khi ai đó có cuộc đời từng trải thì kinh nghiệm sống của
người đó đơm hoa thành những chuyện ngụ ngôn – dường như đó là cách dễ nhất để
ám chỉ điều không thể nói ra. Ngụ ngôn là phương cách, một phương cách tuyệt
vời; nó chẳng phải chuyện thường. Mục đích của nó không phải để giải trí, mục
đích của nó là nói lên điều mà không có cách nào khác để nói ra. Cuộc sống
không thể đưa vào lí thuyết – nó quá bao la, nó quá vô cùng.
Lí thuyết về mặt bản chất là khép kín. Lí thuyết
phải khép kín nếu nó đúng là lí thuyết; nó không thể bỏ ngỏ được, bằng không nó
sẽ vô nghĩa. Chuyện ngụ ngôn thì còn bỏ ngỏ; nó nói và để lại nhiều điều còn
phải nói, nó chỉ ám chỉ. Và điều không nói được thì có thể được chỉ ra. Nó là
ngón tay chỉ trăng. Đừng bám vào ngón tay – chẳng liên quan gì – mà hãy nhìn
trăng. Những chuyện ngụ ngôn này tự thân chúng rất hay, song đó không phải là
mục đích của chúng... chúng vượt ra ngoài, chúng thật huyền ảo. Nếu bạn mổ xẻ
chuyện ngụ ngôn thì bạn sẽ chẳng hiểu được gì mấy.
Nó giống như cái rốn trên cơ thể người ta. Nếu bạn
đến gặp nhà phẫu thuật và hỏi ông ta công dụng của cái rốn trên cơ thể là gì,
và nếu mổ xẻ cơ thể thì ông ta sẽ chẳng thấy được công dụng nào hết. Cái rốn
dường như vô dụng. Công dụng của cái rốn là gì? Nó từng có công dụng khi đứa bé
còn trong bụng mẹ: công dụng của nó là nối đứa bé với người mẹ. Nhưng giờ đây đứa
bé không còn trong bụng mẹ nữa – người mẹ có thể đã chết, đứa con đã già đi,
thế thì giờ đây công dụng của cái rốn là gì? Nó có công dụng siêu việt; công
dụng không phải ở trong bản thân nó. Bạn sẽ phải nhìn khắp nơi xung quanh để
tìm ra dấu hiệu – nơi nó chỉ ra. Nó chỉ ra rằng người ta có thời từng là một
đứa bé, rằng đứa bé có thời từng nằm trong bụng mẹ, rằng đứa bé được nối với
người mẹ. Đấy chỉ là dấu hiệu mà quá khứ để lại.
Cũng như cách cái rốn chỉ ra điều gì đó về quá khứ,
chuyện ngụ ngôn lại chỉ ra điều gì đó về tương lai. Nó chỉ ra rằng có khả năng
nảy nở, có khả năng kết nối với hiện hữu. Ngay bây giờ mới chỉ là khả năng,
chưa là hiện thực. Nếu bạn mổ xẻ chuyện ngụ ngôn thì nó trở thành chuyện
thường. Nếu bạn không mổ xẻ mà chỉ uống cạn í nghĩa của nó, chất thơ của nó,
chất nhạc của nó – quên đi câu chuyện và chỉ mang theo í nghĩa của nó – chẳng
mấy chốc bạn sẽ thấy rằng nó chỉ dẫn tới tương lai, hướng tới điều gì đó có thể
xảy ra nhưng còn chưa hiện hữu. Nó thật siêu việt.
Ở phương Tây, ngoại trừ ngụ ngôn của Jesus, chẳng
có gì giống như của Liệt Tử, Trang Tử, Phật... chẳng có gì giống ngụ ngôn của
những vị này – chỉ mỗi của Jesus. Mà thậm chí ngụ ngôn của Jesus dường như cũng
là thứ ngài phải đem chúng về từ phương Đông. Có ngụ ngôn của Aesop, nhưng
chúng cũng chỉ là những phóng chiếu của cuốn sách lớn về ngụ ngôn phương Đông, Panchatantra. Ngụ ngôn là phát minh của
phương Đông và vô cùng í nghĩa.
Thế nên điều đầu tiên cần hiểu về Liệt Tử: ông
không là nhà lí thuyết, ông sẽ không đem đến cho bạn bất kì lí thuyết nào; đơn
giản ông sẽ cho bạn chuyện ngụ ngôn.
Lí thuyết có thể được mổ xẻ – í nghĩa của nó ở
trong nó; nó không siêu việt, í nghĩa là nội tại. Chuyện ngụ ngôn không thể mổ
xẻ; mổ xẻ ra nó sẽ chết. Í nghĩa của nó siêu việt, không ở bên trong nó. Mà ở
một chỗ nào khác – nó phải ở đâu đó.
Bạn phải sống trong ngụ ngôn thì bạn mới thấu được í nghĩa của nó. Nó phải trở
thành nhịp tim của bạn, hơi thở của bạn; nó phải trở thành nhịp điệu bên trong
bạn. Thế nên những chuyện ngụ ngôn ấy đầy tính nghệ thuật song không phải thứ
nghệ thuật đơn thuần; tôn giáo lớn hàm chứa trong chúng.
Liệt Tử không phải nhà thần học; ông không nói về
Thượng đế. Ông nói chuyện Thượng đế,
nhưng không nói về Thượng đế. Bất cứ
điều gì ông nói đều xuất phát từ nguồn cội, nhưng ông không nói về nguồn cội; bạn phải thật rõ điều này.
Có hai loại người: người nói về Thượng đế, đó là nhà thần học; người nói chuyện Thượng đế, đó là nhà huyền
môn. Liệt Tử là nhà huyền môn. Người nói về Thượng đế thì không biết Thượng đế,
bằng không sao lại phải “nói về”? Chữ “về” chỉ ra chỗ ngu si của người đó rồi.
Khi một người nói chuyện Thượng đế người đó đã trải nghiệm. Thế thì Thượng đế
chẳng phải là lí thuyết để chứng minh, để bác bỏ, không phải; Thượng đế chính
là cuộc sống của anh ta – để anh ta sống cuộc sống đó.
Để hiểu một người như Liệt Tử bạn sẽ phải sống một
cuộc sống đích thực. Chỉ có thế, qua trải nghiệm của chính bạn, bạn mới có khả
năng cảm thấy điều ông ngụ í qua ngụ ngôn của ông. Không phải là bạn có thể học
được những lí thuyết và nắm được thông tin; thông tin chẳng giúp ích gì. Trừ
phi bạn biết, chẳng có gì giúp ích
được. Thế nên nếu những chuyện ngụ ngôn ấy tạo ra trong bạn cơn khát phải biết,
ham muốn lớn lao phải biết, cơn đói mạnh mẽ phải biết; nếu những chuyện ngụ
ngôn ấy dẫn bạn vào hành trình vô định, vào cuộc hành hương – thế thì chỉ việc,
chỉ mỗi việc bước trên con đường, bạn sẽ trở nên quen thuộc với con đường.
Liệt Tử, Trang Tử, Lão Tử – ba vị Đạo sư – chỉ nói
về con đường. Đạo nghĩa là con đường
– họ không nói về đích đến chút nào. Họ nói: Đích đến sẽ tự lo cho nó; bạn
chẳng cần bận tâm về đích đến làm gì. Nếu bạn biết con đường là bạn biết đích
đến, bởi vì đích đến không phải ở cuối con đường, đích đến là toàn bộ con đường
– nó đều hiện diện trong từng khoảnh khắc và trong từng bước. Không phải là khi
con đường kết thúc bạn mới đến đích; từng khoảnh khắc, bất kì chỗ nào bạn ở,
bạn đều ở đích đến nếu bạn ở trên con đường. Ở trên con đường là ở đích đến. Vì
thế họ không nói về đích đến, họ không nói về Thượng đế, họ không nói về giải
thoát, niết bàn, chứng ngộ – không, không một chút nào. Thông điệp của họ rất
đơn giản: Bạn phải tìm ra con đường.
Sự việc trở nên phức tạp hơn một chút bởi vì họ
nói: Con đường không có trên bản đồ, con đường không được vẽ, con đường không phải
ở chỗ bạn có thể theo ai đó và tìm ra nó. Con đường không giống như siêu xa lộ;
con đường giống như chim bay trên trời – nó không để lại dấu vết nào đằng sau.
Quả là chim đã bay nhưng không dấu vết nào để lại; không ai có thể theo được.
Thế nên con đường là con đường không lối. Nó là con đường đấy, nhưng là con đường không lối. Nó không được dọn
sẵn, có sẵn; bạn không thể chỉ quyết định đi trên nó mà thôi, bạn còn phải tìm
ra nó. Và bạn sẽ phải tìm ra nó theo cách riêng của bạn; chẳng phương cách của
ai khác có tác dụng gì.
Phật đã đi, Lão Tử đã đi, Jesus đã đi, nhưng những
con đường đó không giúp ích gì cho bạn cả vì bạn không là Jesus, không là Lão
Tử, không là Liệt Tử. Bạn là bạn, cá nhân duy nhất. Chỉ bằng cách bước đi, chỉ
bằng cách sống cuộc sống của bạn, bạn sẽ tìm ra con đường. Đấy là điều gì đó có
giá trị lớn lao.
Đó là lí do vì sao Đạo giáo không phải là tôn giáo
có tổ chức, không thể thế được. Nó là một tôn giáo có hệ thống nhưng không phải là tôn giáo có tổ chức. Bạn có thể là một đạo nhân nếu đơn giản bạn sống cuộc
sống của mình một cách chân thực, tự phát, nếu bạn có dũng cảm để đi vào cái
không biết theo cách riêng của bạn, cá nhân bạn, không dựa vào bất kì ai. Không
theo bất kì ai, đơn giản là đi vào đêm tối mà không biết liệu bạn sẽ tới bất kì
đâu hay bạn sẽ bị lạc. Nếu bạn có dũng cảm, rủi ro là có đó – có mạo hiểm, có
phiêu lưu.
Ki-tô giáo, Ấn giáo, Hồi giáo đều là những siêu xa
lộ; bạn chẳng cần mạo hiểm điều gì, đơn giản là bạn đi theo đám đông, bạn đi
cùng quần chúng. Với Đạo bạn phải đi một mình, bạn phải ở một mình. Đạo xem
trọng cá nhân chứ không phải xã hội. Đạo xem trọng cá thể chứ không phải đám
đông. Đạo xem trọng tự do chứ không phải tuân thủ. Đạo không có truyền thống.
Đạo là nổi loạn, sự nổi loạn vĩ đại nhất trần đời.
Đó là lí do vì sao tôi gọi Đạo là “con đường không
lối”. Nó là đường đấy, nhưng không
giống những con đường khác. Nó có phẩm chất khác biệt riêng nó, phẩm chất của
tự do, phẩm chất của hỗn độn, phẩm chất của hỗn mang. Đạo nói rằng nếu bạn áp
đặt khuôn phép lên bản thân, bạn sẽ là nô lệ. Kỉ luật phải nảy sinh từ sự giác
ngộ của bạn, thế thì bạn sẽ là đạo sư. Nếu bạn áp đặt trật tự lên cuộc sống của
bạn, điều này sẽ là chỉ là giả vờ; mất trật tự sẽ vẫn còn ẩn sâu trong cốt lõi
của bản thể bạn. Trật tự sẽ chỉ có trên bề mặt; còn ở trung tâm vẫn là mất trật
tự. Điều này chẳng ích gì.
Trật tự thực sự nảy sinh không phải từ bên ngoài,
mà từ cốt lõi sâu thẳm nhất trong bản thể bạn. Cho phép mất trật tự, đừng kìm
nén nó. Đối mặt với nó, chấp nhận thử thách của mất trật tự. Bằng việc chấp
nhận thử thách của mất trật tự và sống nó, sống đầy rủi ro – trật tự nảy sinh
trong bản thể bạn. Trật tự đó bắt nguồn từ hỗn loạn, không từ bất kì hình mẫu
nào. Đấy là động thái hoàn toàn khác: nó sinh ra trong bạn và nó tươi mới; nó
không mang tính truyền thống, nó nguyên sơ; nó không qua tay ai khác. Đạo không
tin vào tôn giáo sang tay và Thượng đế sang tay. Nếu bạn theo Thượng đế của
Jesus bạn trở thành giáo hữu Ki-tô, nếu bạn theo Thượng đế của Krishna bạn trở
thành tín đồ Hindu, nếu bạn theo Thượng đế của Mohammed bạn trở thành tín đồ
Hồi giáo. Đạo nói: Nhưng chừng nào còn chưa tìm ra Thượng đế của bạn, bạn không trên con đường.
Thế nên tất cả những con đường ấy đơn giản là làm
bạn sao nhãng khỏi con đường thực. Theo người khác, bạn sẽ lạc lối. Theo bất kì
hình mẫu cuộc sống nào, bạn trở thành nô lệ. Theo bất kì hình mẫu nào, bạn cầm
tù chính bản thân mình. Và Thượng đế, hay Đạo, hay pháp, hay chân lí là khả dĩ
chỉ cho người tuyệt đối tự do, tự do vô điều kiện.
Tất nhiên, tự do là nguy hiểm bởi vì trong đó không
có an ninh, trong đó không có an toàn. Vô cùng an toàn khi bạn theo đám đông.
Đám đông bảo vệ bạn. Vô cùng an toàn khi bạn theo đám đông vì lẽ chính sự hiện
diện của nhiều người khiến bạn cảm thấy bạn không lẻ loi và bạn không thể bị
lạc. Vì cái an ninh ấy mà bạn đang bị
lạc đấy, vì cái an ninh ấy mà bạn không bao giờ tìm và bạn không bao giờ kiếm
và bạn không bao giờ dò hỏi. Và chân lí chẳng thể nào được tìm ra trừ phi bạn
phải tự mình dò hỏi. Nếu bạn tiếp nhận thứ chân lí vay mượn, bạn trở nên có
kiến thức; song có kiến thức không phải là biết.
Đạo rất chống đối tri thức. Đạo cho rằng dù bạn ngu
si và sự ngu si là của bạn, điều đó vẫn tốt – ít nhất nó là của bạn, và nó có
sự hồn nhiên của nó. Nhưng nếu bạn bị chất nặng với đống tri thức, kinh sách,
truyền thống được tích lũy, thế thì bạn đang sống một cuộc sống rởm, giả tạo.
Thế thì bạn không thực sự sống đâu, bạn chỉ đang ra vẻ là bạn sống mà thôi. Bạn
đang làm những cử chỉ bất lực, những cử chỉ rỗng tuếch. Cuộc sống của bạn không
có cảm xúc mãnh liệt, không có đam mê – chẳng thể nào có đam mê. Đam mê đó chỉ
nảy sinh chừng nào bạn đi theo cách riêng của mình, một mình, vào khoảng trời
bao la của hiện hữu.
Vì sao bạn không thể đi một mình? Vì bạn không tin
vào cuộc sống. Bạn đi cùng những tín đồ Hồi giáo, bạn đi cùng những tín đồ Ấn
giáo, bạn đi cùng những tín đồ Do Thái giáo, bởi vì bạn không tin vào cuộc
sống, bạn tin vào đám đông. Để đi một mình người ta cần niềm tin lớn lao vào
cuộc sống... cây cối, sông suối, trời đất, sự vĩnh hằng của vạn vật – người ta
tin vào điều này. Bạn tin vào những quan niệm nhân tạo, bạn tin vào những hệ
thống nhân tạo, bạn tin vào những í thức hệ nhân tạo. Làm sao những í thức hệ
nhân tạo lại có thể đúng được?
Con người đã tạo ra những í thức hệ này cốt để che
giấu sự việc là con người không biết, để che giấu sự việc là con người ngu si.
Con người láu cá, ranh mãnh và con người có thể tạo ra cách hợp lí hóa, nhưng
những phương cách hợp lí hóa này đều huyễn ảo – bạn không thể đi cùng chúng vào
chân lí được. Bạn sẽ phải rũ bỏ chúng. Đạo nói rằng ngu si không phải là rào
cản đến chân lí – tri thức mới là rào cản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét