Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Nhân chứng chính (002d)


1993-1997: những năm sinh viên của tôi


Chúng tôi càng lớn cha mẹ chúng tôi càng lo lắng. Mỗi năm, từng đứa chúng tôi tốt nghiệp đại học và sẽ chuyển đến một thành phố khác. Nhưng làm thế nào cha mẹ chúng tôi trả được tiền cho chuyện đó? Ai sẽ chăm sóc các con gái của họ ở những thành phố lớn, nơi đầy cạm bẫy tội lỗi và thịnh hành luật rừng? Nơi bỗng nhiên mọi thứ chỉ xoay quanh tiền bạc và lòng tham? Cả nước đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, đánh bay mọi giá trị cũ. Điều đó quá sức đối với những người lớn tuổi, nhất là khi lối sống mới này đã đến với chính ngôi làng của họ.

“Em cần thường xuyên để mắt tới các con gái của em,” cha bảo với mẹ. Không cần phải bảo vì mẹ lúc nào cũng nhắc nhở. “Hãy cẩn thận, các con không được có bước đi sai lầm,” bà nhấn mạnh với chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ dám làm bất cứ điều gì trái với đạo đức, có thể hủy hoại danh dự gia đình. Thậm chí trong đầu tôi cũng không bao giờ thoáng qua một ý nghĩ tội lỗi. Tôi hoàn toàn không thấy hứng thú gì với bọn con trai. Sự nghiệp là tất cả những gì quan trọng đối với tôi. Tôi muốn cha mẹ có thêm lí do để tự hào về tôi và tôi biết sau này mình có thể hỗ trợ họ tốt hơn trong cuộc sống.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông với điểm số cao nhất, tôi là người duy nhất trong lớp đạt được một suất vào trường đại học ở Ili. Thay vì phân tôi học Tây y, giới chức trách đã cho tôi học y học cổ truyền Trung Quốc. Khi cha tôi đưa tôi đến đó để nhập học, người Hồi giáo không khó khăn gì kiếm được một suất vào trường đại học. Một số người đứng đầu sở giáo dục là người bản địa, và thành phố gồm 90% người Kazakhstan. Ngày nay, người Trung Quốc đã biến chúng tôi thành thiểu số trên chính mảnh đất của mình.

Năm 17 tuổi tôi bắt đầu chuyến hành trình một mình dài 600km đến Ili xa xôi. Như trong chuyến thăm đầu tiên của mình, qua cửa sổ xe buýt tôi nhìn lên các tòa nhà cao tầng, ngắm những quán trà truyền thống tập trung bên dưới chúng, những phụ nữ đưa cho khách qua đường vội vã món mì làm thủ công hấp trong những chiếc thố. Những tấm biển hiệu trang trí công phu treo khắp trên các con phố và cửa hàng, dòng chữ lớn “Chào mừng” bằng tiếng Kazakhstan, trong khi dòng chữ tương tự bằng tiếng Trung nhỏ hơn được in bên dưới. Ngày nay, chỉ có bảng hiệu bằng tiếng Trung Quốc. Tiếng của chúng tôi đã bị xóa hoàn toàn.

Trong vài tháng đầu tiên ấy, tôi thấy cuộc sống đô thị thật khó khăn: đường phố đông đúc, ồn ào, không thân thuộc. Tôi là một cô gái giản dị đến từ nông thôn trong số 6.000 sinh viên, 30% đội ngũ giảng viên là người Trung Quốc so với con số 70%. Đêm xuống, ngủ cùng phòng với 8 cô gái lạ trên giường tầng, tôi cảm thấy rất xa làng quê và cha mẹ mình. Những cô gái giường tầng trên và bên cạnh tôi là người Trung Quốc.

Tôi nhớ nhà, cảm thấy cồn cào trong bụng. Tôi bồi hồi nghĩ về những rặng núi, về mùi cây vân hương dại trong nhà chúng tôi và trên lưng ngựa. Ngựa rất có ý nghĩa đối với người Kazakhstan: riêng trong ngôn ngữ của chúng tôi có đến 50 từ để chỉ màu lông và dấu hiệu của chúng. Trước chiếc điện thoại quay số duy nhất của tòa nhà luôn có một hàng người dài, vì vậy tôi thường viết thư, thận trọng để nước mắt không làm nhòe nét chữ. “Con nhớ mọi người nhiều...”

Các kí túc xá sinh viên tựa như một vũ trụ tí hon đối với chính họ, một cửa hiệu và một nhà hàng. Không khí cạnh tranh gay gắt. Nếu bạn là một người bản địa muốn vươn lên, bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc học tiếng Trung. Một số sinh viên Hồi giáo phàn nàn bằng một giọng nghẹn ngào. “Tại sao chúng ta phải học ngoại ngữ? Người Trung Quốc nên học tiếng Kazakhstan!”

Ở trường đại học không thể né tránh người nước ngoài, như chúng tôi từng làm ở làng. Ngay từ ban đầu, sự thiếu tin tưởng giữa chúng tôi đã như một bức tường ngăn cách. Trước mặt các sinh viên Trung Quốc, chúng tôi để ý từng lời của mình, nhưng dù sao họ cũng chưa bao giờ nói chuyện với chúng tôi nhiều. Thảo luận công khai là điều cấm kị. Thậm chí những lời chỉ trích nhẹ nhàng về cách tiếp cận độc đoán của Bắc Kinh cũng thường vấp phải thái độ ngạo mạn. “Các bạn chỉ đố kị vì Trung Quốc quá thành công!” Chúng tôi luôn cảm thấy như họ đang theo dõi chúng tôi, vì vậy hầu như chúng tôi rất kín tiếng.

Điều đó nói lên rằng, tôi biết họ không phải là quái vật. Họ cũng là những người bình thường với những mối quan tâm bình thường. “Cách tốt nhất để kiếm sống là gì? Làm thế nào có thể giảm bớt một số gánh nặng tài chính cho cha mẹ? Làm thế nào để đạt điểm cao?”

Nếu đạt điểm cao trong các môn thi của mình ở nhóm A, bạn đã đạt điểm và nhận được hỗ trợ tài chính và trợ cấp của nhà nước. Đôi khi, bạn cũng được tặng phiếu mua thực phẩm. Tôi không bao giờ bị đói, vì tôi đã kiếm được rất nhiều điểm. Chẳng bao lâu, tôi không chỉ là người trẻ nhất mà còn là người giỏi nhất trong khóa học của mình.

Khi sự cô đơn khiến tôi cảm thấy quá nặng nề, cuối tuần tôi bắt xe buýt để đến thăm chị tôi đang học đại học ở thành phố kế bên. Chúng tôi an ủi nhau. Chẳng bao lâu sau, em trai Sawulet cũng đi học xa cùng chúng tôi. Cậu ấy đã đăng kí học ngành kĩ thuật cơ khí. Trong năm đầu tiên đó, mẹ đã đến thăm chúng tôi hai tháng một lần, vì nếu mua vé về thăm nhà thì quá đắt đối với ba chúng tôi. Chúng tôi từng sốt ruột chờ bà mỗi lần, đi qua đi lại loanh quanh ở lối vào tầng trệt. Bà mang theo tình yêu, ngoài ra còn có một ít tiền và một vài món ăn truyền thống nhà nấu - thực tế là rất nhiều. Về nhà, cha tôi thở dài ngao ngán mỗi khi nhìn thấy bà với đống túi xách được đóng gói, thế nên bà đề nghị lần sau ông sẽ đi thăm chúng tôi.

Tôi sớm làm quen với cuộc sống mới, và may mắn có được một người bạn thân nhất trong số những cô gái Kazakhstan: Gulina. (Tôi đã đổi tên để bảo vệ cô ấy.) Không giống tôi, cô ấy cao, mái tóc dài nhạt màu, nhưng tính cách chúng tôi có những nét giống nhau. Chúng tôi thân nhau như chị em. Cả hai luôn cố gắng hoàn thành nghĩa vụ của mình, có tham vọng, không ngừng phấn đấu và quyết tâm đạt được mục tiêu một cách thành công trước khi chuyển sang mục tiêu khác... theo nghĩa đó, cả hai chúng tôi đều là những người Trung Quốc điển hình.

Tuy nhiên, hạnh phúc luôn đi trước chúng ta một bước.



Mao tái sinh


Bất kể bạn đang ở rạp chiếu phim hay tham dự một sự kiện văn hóa nào đó: đột nhiên, Đảng có mặt ở khắp mọi nơi, khoe khoang về những điều vĩ đại được cho là Mao đã thực hiện để xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Chủ yếu họ nói về lí tưởng và thái độ sẵn sàng hi sinh của mọi người - họ làm thinh về nỗi kinh hoàng và sợ hãi mà ông ta để lại sau lưng. Tôi đã nghi ngờ, mặc dù tôi chỉ mơ hồ biết được từ những người Kazakhstan lớn tuổi về mặt tối của câu chuyện này.

Những sinh viên sắc sảo hơn thì hạ giọng xuống thật khẽ đến mức hầu như bạn khó lòng thể hiểu được họ. “Sự sùng bái cá nhân kiểu mới này không phải là một điềm tốt,” hoặc “Họ đang mở một cánh cửa dẫn thẳng vào quá khứ,” hoặc “Đảng đang tái tạo lại quá khứ để khỏi phải đối mặt với nó.” Những người khác phẫn nộ giễu cợt. “Nếu như Mao không vĩ đại và không tốt thì họ sẽ không ra rả suốt ngày như thế ở trong sách và trên TV của chúng ta.” Tôi thường giấu mình trong những cuộc thảo luận ấy, chỉ lắng nghe.

Khi bạn liên tục được nhắc nhở rằng chủ nghĩa cộng sản thật tuyệt vời, có lợi cho xã hội và hữu ích với mọi người, thì sau một thời gian, thậm chí bạn không thể chắc chắn được điều gì là đúng nữa. Và nỗi kinh hoàng của quá khứ, mà ngay từ đầu các bậc cha mẹ và giáo viên của chúng tôi chưa bao giờ giải thích đầy đủ cho chúng tôi, đã mờ đi như những tấm ảnh đen trắng cũ, nhanh chóng tan thành sương mù.

Ở trường đại học, những trang đầu của mỗi cuốn sách mà tôi mở ra đều có thông tin về Mao, Lenin và Marx. Khi làm bài tập hoặc trình bày trước các bạn sinh viên của mình, chúng tôi phải mở đầu bằng cách trích dẫn tư tưởng của họ. Nếu không thì không thể đạt điểm cao. Người ta cho rằng 70% những gì Mao đã làm là tốt. Ông đã đánh đuổi những kẻ thù lớn nhất của dân tộc. Những sai lầm của ông ta - 30% còn lại - là không đáng kể, vì thế các giáo viên luôn lảm nhảm theo đường lối của Đảng.

“Vị lãnh tụ vĩ đại đã dạy chúng ta trung thành với nhân dân, với Đảng, với quốc gia,” tôi viết trong bài viết của mình. Rõ ràng với tôi, dường như mọi người được đặt lên trước còn tôi đặt phía sau. Tập thể quan trọng hơn cá nhân. Tuy nhiên, tại sao Mao lại giết nhiều người một cách tàn bạo như vậy? Ngoài ra, việc đặt những câu hỏi và hiểu những câu trả lời không mang lại giải pháp nào, mà chỉ có những vấn đề mới. Tôi không quan tâm đến chính trị. Tôi chỉ muốn yên ổn học tập và bám sát tôn chỉ quốc gia: “Thịnh vượng và thành công!”

Nhưng dù muốn hay không, ta vẫn liên tục vấp phải những câu hỏi không được phép hỏi. “Họ lấy đâu ra lắm nội tạng khỏe mạnh như vậy?” Gulina thở gấp khi chúng tôi đứng trước tấm bia đá của nhà xác, đôi mắt cô ấy đảo quanh vì choáng khi chúng tôi thực hiện những thao tác thực hành đầu tiên. Mọi người đều tảng lờ như thể câu hỏi của cô ấy đã tan biến trong làn không khí mỏng ngay khi vừa được thốt ra, cứ như thể họ chẳng nghe thấy gì.

Trước mặt chúng tôi là những chiếc bàn đầy gan, tim, phổi còn nguyên vẹn... là những sinh viên y khoa, chúng tôi có khá nhiều nội tạng để tùy ý sử dụng. Không nói nửa lời, chúng tôi nhặt dao mổ của mình và tập trung vào nhiệm vụ trước mắt. Ở Đông Turkestan, mọi người đều bàn tán về việc các thành viên của cộng đồng tôn giáo Pháp Luân Công, cũng như những người khác trong khu vực, bị tổng bí thư Giang Trạch Dân coi là quỷ dữ, càng lúc càng bị bắt cóc giữa ban ngày ban mặt cho mục đích rõ ràng này. Ai cũng biết rằng Trung Quốc đã thực hiện những ca cấy ghép nội tạng nhiều hơn mức có thể có được do những người hiến tặng tình nguyện. Năm 2009, Bộ trưởng Y tế Hoàng Khiết Phu thừa nhận một cách dứt khoát rằng Bắc Kinh “thu hoạch khoảng 2/3 số ca cấy ghép từ các tù nhân bị tử hình”. Việc buôn bán nội tạng mang lại lợi nhuận cao ở Trung Quốc không phải do bọn tội phạm trên thị trường chợ đen mà do chính ĐCSTQ điều hành.



Kiếm tiền


Ban đêm, đôi khi Gulina và tôi nằm cạnh nhau trên chiếc giường hẹp, thức khuya và mơ về việc trở nên giàu có và được kính trọng. Chúng tôi đã giả định một cách sai lầm rằng người giàu có thể mua được mọi thứ. Kể cả tự do. Tôi cứ hình dung cha mẹ mình đã kiệt sức và mòn mỏi như thế nào. Họ đã tích cóp và dành dụm cho con cái cả đời, không hề tiêu tốn cho bản thân bất cứ thứ gì. Còn bốn đứa em sau tôi và Sawulet, việc học của chúng cũng phải được lo toan. “Mình có ý này,” tôi nói vào một buổi tối: Tôi nhận ra rằng có một cách rất hay để kiếm tiền trong khi học đại học. “Mà cha mẹ mình không thể nào phát hiện ra được.”

Về cơ bản, vào những ngày cuối tuần, tôi bắt xe buýt đến biên giới Kazakhstan. Ở đó, tôi mua một lượng lớn cặp đựng tài liệu, bút, sổ tay và các loại văn phòng phẩm khác tại một trong vô số những nhà buôn sỉ để có thể bán lại chúng cho các bạn cùng lớp với giá cao hơn trong giờ giải lao vào buổi chiều. Là sinh viên tốp đầu, tôi được đánh giá cao, thế nên ngay từ ban đầu, công việc kinh doanh đã thuận lợi đến mức thậm chí tôi còn mở rộng các mặt hàng bao gồm cả bộ trang sức bằng vàng cho các cô gái.

Dần dà, túi của tôi nhiều tiền đến mức tôi có thể đóng góp để trang trải chi phí học tập cho các em mình. “Con lấy đâu ra lắm tiền vậy?” Cha tôi ngạc nhiên hỏi. “Con có tiền vì con là một sinh viên giỏi và con làm việc rất chăm chỉ,” tôi đáp mà không hề đỏ mặt: đó chỉ là một nửa câu chuyện, nhưng ít ra không phải là lời nói dối.

Tôi muốn bằng mọi giá tránh để cha mẹ tôi biết. Sẽ rất nguy hiểm nếu sự thật bị phát hiện, một phần vì tôi là cô gái trẻ đi một mình trên xe buýt, và một phần nữa là tôi trả giá hàng hóa như một nông dân ngoài chợ, trong một ngành công nghiệp do đàn ông thống trị. Cha mẹ tôi nhất định sẽ lo lắng về danh tiếng của tôi. Và điều đó sẽ khiến họ cảm thấy xấu hổ vì không thể lo đủ tiền cho tôi; họ sẽ mặc cảm như thể đã đẩy tôi vào tình huống này.

Hai lần một năm, vào cuối học kì, các anh chị em tôi về quê. Mỗi lần về thăm nhà chúng tôi đều thấy nông thôn tươi đẹp một thời của mình bị biến dạng theo một cách mới nào đó - mặt đất bị máy xúc đào bới, núi bị khoét để khai thác mỏ. Cảnh quan ngày càng chằng chịt với đường sá và ô tô. Với mỗi công trình xây dựng, con suối róc rách nhẹ nhàng ngày càng ít nước để cung cấp cho ngôi làng.



Năm 1997: dòng suối khô cạn


Bắc Kinh cố tình đưa ngày càng nhiều người đến định cư ở Đông Turkestan, một phần của dự án để Hán hóa thậm chí cả những vùng xa xôi của tỉnh giàu tài nguyên nhất Trung Quốc. Không chỉ cảnh quan đã thay đổi. Mà hành vi của dân làng cũng thay đổi.

Họ không còn dừng lại trên phố để tán gẫu. Gương mặt họ không còn cởi mở, tâm trí họ bị vây hãm cũng như nông thôn đang bị khai thác quá mức chung quanh họ. Ngay cả trong bốn bức tường nhà mình, giờ đây cha mẹ tôi cũng cấm chúng tôi đề cập đến những mối bận tâm của mình.

Những người lớn tuổi càng sa vào tình trạng chán nản. “Nơi nào người Trung Quốc giẫm chân lên, nơi đó cỏ cây không mọc nổi.” Mức độ tàn phá của họ đối với những người Kazakhstan cao tuổi là thế đó. Thảm họa sắp sửa xảy ra; ông tôi đoan chắn về chuyện đó. Thật đáng buồn là ông đã đúng.

Lần gần đây tôi về làng thì con suối đã khô cạn, dân làng không còn nước để uống nữa. Sau đó mực nước sông rút xuống, và nó cạn lại thành một con rãnh hôi thối, cá nổi trắng bụng.

Vào mùa đông người dân địa phương cố gắng lấy tuyết từ trên núi để bù đắp cho việc thiếu nước. Họ tách băng ra thành từng lớp rồi dùng lừa chở xuống. “Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra thế?” Cha mẹ đang cuống cuồng của tôi cũng không thể hiểu nổi đầu cua tai nheo. Vuốt bộ râu dài bạc trắng bằng bàn tay nhăn nheo, ông tôi lắc đầu lẩm bẩm: “Núi và nước là những tạo vật thiêng liêng. Con người ta không bao giờ được làm ô nhiễm chúng bằng rác và phân như cách người Trung Quốc làm. Nước phải luôn tinh khiết, nếu không thần nước sẽ nổi giận.” Mẹ tôi cúi đầu. “Đó là lí do vì sao nước bỏ chúng ta mà đi...”

Trong thời kì này đã có rất nhiều cuộc biểu tình ở Đông Turkestan chống lại sự xói mòn ngày càng tăng của các quyền tự do tôn giáo và văn hóa, đến nỗi trong nhận thức muộn màng của mình tôi không còn chắc chắn những gì tôi biết vào thời điểm đó và những gì tôi đã quên. Tôi không biết rằng, vào ngày 08/3/1997, một loạt quả bom đã nổ trên các chuyến xe buýt ở Bắc Kinh trong khi tình hình ở Đông Turkestan đang diễn ra phức tạp tại đại hội Đảng. Càng gây áp lực, người dân càng phản kháng kịch liệt. Nhưng Bắc Kinh đã đáp trả bằng sự đàn áp và bạo lực mạnh hơn bao giờ hết.

Gia đình chúng tôi đã quen chịu đựng. Đơn giản là chúng tôi xích lại gần nhau hơn, như thể đang ở giữa một cơn bão, hi vọng những mảnh vụn bay tung tóe sẽ không văng vào đầu. Nhưng sự việc cũng kết thúc, chúng tôi lại quay về với công việc và vắt sữa bò. Tất cả năng lượng của chúng tôi đều dồn vào việc làm cho cuộc sống hằng ngày dễ chịu hơn bằng cách bảo vệ bản thân khỏi đói nghèo và thiếu thốn vật chất. Không giống như các anh chị em mình, tôi không bao giờ lãng phí thời gian để nghĩ về việc lập gia đình. Tôi muốn kết thúc kì thi càng nhanh càng tốt và tìm được một công việc lương cao.

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Nhân chứng chính (002c)

 

Bóng ma sống của thời đại khủng bố


Mỗi khi dùng máy khâu, tôi khó chịu liếc nhìn những tấm nhãn cũ trên đó có in câu nói của Mao: “Nếu không có Đảng Cộng sản thì cũng không có một đất nước Trung Quốc mới.”

Thi thoảng có những lời xì xào trong mỗi gia đình về những tội ác dưới thời Mao, cũng như tội ác ở nước Nga dưới thời Stalin. Cả hai đã di những dấu chân đẫm máu qua cảnh quan của chúng tôi, mà ảnh hưởng của chúng vẫn còn có thể cảm nhận được. Ngôi làng bị ám bởi một hồn ma sống của thời đại khủng bố này. Ít ra, đối với tôi nó như một bóng ma mất trí với mái tóc trắng như bông: một phụ nữ 70 tuổi bị điên trong Cách mạng Văn hóa.

Có thời bà ấy từng sinh trưởng trong một gia đình giàu có. Chưa hài lòng với việc đơn giản là tịch thu toàn bộ tài sản của họ, Hồng vệ binh đã tra tấn chồng và con họ trong tù. Một ngày nọ, người ta thấy chồng bà treo cổ trong phòng giam. Các quan chức Trung Quốc thẳng thừng thông báo với bà rằng: “Ông ta đã thừa nhận tội lỗi và tự kết liễu mạng sống của mình.” Nhưng mọi người đều biết họ đã giết ông ta. Không lâu sau đó, những đôi bàn chân xanh xao của các con ba cũng lủng lẳng trên những sợi dây thừng ngoài trời. Các đội tử thần đã thủ tiêu toàn bộ gia đình bà, từng người một. Bà ấy là người duy nhất sống sót.

Kể từ đó, bà ấy lang thang khắp làng như một người điên, xông vào những ngôi nhà và kêu cứu. Để giúp bà ấy bình tĩnh lại, người ta cho bà ấy thứ gì đó để ăn. Thật khó khăn khi chứng kiến một người mẹ tuyệt vọng đến mức ấy. Điều đó khiến lồng ngực tôi thắt lại vì buồn, nhưng nó cũng khiến tim tôi đập thình thịch vì những kẻ đã làm điều này với bà ấy.

Cũng như ngày nay, người ta bị cấm phàn nàn về những vụ giết người hoặc mất tích, bởi vì “đối với Mao, không có sự hi sinh nào là quá lớn.” Một khi vị lãnh tụ vĩ đại ra lệnh, ông bà, cha mẹ tôi đều phải “để thân mình hóa thành cát bụi, xương tan thành ngàn mảnh.”

Những năm đầu đời của tôi trùng hợp với sự trỗi dậy ngoạn mục của Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, mặc dù ở Đông Turkestan, mọi thứ vẫn như xưa, dưới sự kiểm soát tuyệt đối của Đảng Cộng sản: việc làm được bố trí, giá cả và hạn ngạch sản xuất được quy định như trước.



Người Trung Quốc đang đến!


“Người Trung Quốc đang đến!” Tiếng kêu nghẹn ngào truyền từ miệng người này sang miệng người khác khắp làng. Đó là vào đầu những năm 1980, hàng loạt đoàn xe quân sự đã lăn bánh qua khu định cư của chúng tôi, dừng lại ở cây cầu bắc qua sông. Họ không đến từ Binh đoàn (Bingtuan) sản xuất và xây dựng Tân Cương, một tổ chức bán quân sự thành lập các tập đoàn lớn ở Đông Turkestan và sẽ sớm kiểm soát toàn bộ các ngành công nghiệp trong khu vực, cũng như những cánh đồng bông và vườn nho rộng lớn của chúng tôi. Những đoàn quân này là bộ phận của một đơn vị đặc biệt khác.

Những người lính lập tức bắt tay vào việc xây dựng một doanh trại lớn, có tường cao và dây thép gai bao quanh. Phía sau doanh trại, họ dựng một trạm radar trên ngọn đồi. Việc xây dựng vừa hoàn thành thì lập tức 1.000 lính Trung Quốc trên xe tải tràn vào trại và đóng kín cánh cổng phía sau họ, biến mất nhanh chóng cũng như khi đến. Chúng tôi không ai được phép vào trong. “Họ đang làm gì trong đó?” Chúng tôi tự hỏi.

Dân làng vô cùng lo lắng chụm đầu vào nhau bàn tán. Cây cầu bắc qua sông rất quan trọng đối với chúng tôi - chúng tôi cần lùa đàn gia súc qua đó ra đồng cỏ - nhưng từ hôm ấy, những kẻ lạ mặt đã không mang gì đến ngoài rắc rối. “Hãy tìm nơi khác,” họ cáu kỉnh, đuổi chúng tôi đi.

Các đoàn xe quân sự xuất hiện đã đánh dấu sự chấm dứt hòa bình ở làng chúng tôi. Những người lính ăn trộm gia súc của chúng tôi và dồn chúng vào doanh trại ngay trước mắt chủ nhân của chúng. Những người chăn ngồi trên lưng ngựa gần các bức tường, từ trên cao nhìn thấy những con cừu của họ bị giết thịt, nhưng đám lính giận dữ tràn ra khỏi doanh trại như bầy ong bắp cày và quát họ: “Các người đang làm gì ở trên đó? Biến khỏi đây!”

Sau đó, bất kỳ ai dám hỏi gia súc của chúng tôi đâu - chứ đừng nói gì đến phản đối nạn trộm cắp - đều bị đe dọa hoặc đơn giản là bị đánh tơi tả. Đấy là lần tiếp xúc gần gũi đầu tiên của tôi với người Trung Quốc. Ngay lập tức, mọi dân làng như hóa đá. Khi đó tôi đang học lớp Ba.

Kể từ đó, bất cứ lúc nào các anh chị em chúng tôi lùa cừu của mình ra đồng cỏ, chúng tôi đều cúi gằm xuống và quan sát đám lính từ xa, bầy chó canh hung dữ của họ đang giật mạnh những sợi dây buộc ngắn. Chúng tôi lúc nào quá sợ hãi không dám công khai nhìn chằm chằm và mỗi khi đi ngang qua, chúng tôi đều rảo bước nhanh nhất có thể. “Những người này đánh chúng ta, họ không nói chuyện với chúng ta, và họ không bao giờ cho chúng ta câu trả lời nào,” ông tôi lẩm bẩm một cách cay đắng vào bữa ăn. “Họ không cảm thấy có trách nhiệm hay tội lỗi về bất cứ điều gì,” mẹ tôi nói thêm. “Đó là chế độ chuyên chế,” cha tôi tuyên bố với vẻ cam chịu. “Nhưng chúng ta có thể làm gì chứ?”



Những người định cư đầu tiên: Đừng sợ người Trung Quốc!


Sau một thời gian, một số người Trung Quốc đầu tiên bắt đầu đến định cư ở làng chúng tôi, mở cửa hàng bán rau xanh, tiệm chụp ảnh và sửa xe. Lần đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc gần những người nước ngoài, nhưng tôi và những đứa trẻ khác vẫn e ngại và giữ khoảng cách. Dần dà, những gia đình và họ hàng người Hoa của họ cũng cùng tham gia.

Những người mới đến đã sớm tìm hiểu những nhu yếu phẩm mà dân làng cần nhất và cung cấp chúng cho chúng tôi. Chúng tôi không thể hiểu họ. Họ thân thiện hay thù địch? Họ chỉ nói tiếng Trung và khai thác sự ngây thơ của người dân địa phương, những người không biết nhiều về kinh doanh. Họ mua hàng hóa và sản phẩm của chúng tôi như sữa, pho mát, hoặc thịt với giá cực rẻ, rồi sau đó bán chúng cho đồng bào của họ với giá cao ngất ngưởng.

Đám lính bắt đầu đào những cái hố khổng lồ quanh doanh trại của họ. Đôi khi gia súc của chúng tôi rơi xuống đó và phải chịu một cái chết đau đớn. Họ dùng những gì họ đào được để làm vật liệu xây dựng, trưng dụng tổng thể những khu vực đồng cỏ. “Tại sao người Trung Quốc lại cứ đến đây?” Một ngày nọ, em trai Sawulet của tôi đã hỏi một cách khó chịu, nhưng chính tôi cũng không biết câu trả lời.

Trong khi các chủ tiệm người Hoa nhanh chóng trở thành những người giàu nhất làng, thì dân bản địa rơi vào cảnh nghèo túng. Chúng tôi không còn đồng cỏ, ít gia súc hơn và thu nhập cũng ít hơn. Chẳng mấy chốc, mọi gia đình đều gặp khó khăn về tài chính. Mỗi buổi sáng, cha mẹ tôi tiễn chúng tôi với lời dặn dò: “Hãy đưa gia súc tránh xa doanh trại. Ở đó quá nguy hiểm.”

Trong khi đó Bắc Kinh đang đẩy mạnh một chiến dịch quảng bá Trung Quốc và người dân Trung Quốc. “Đừng sợ người Trung Quốc! Họ sẽ biến Tân Cương thành một xứ sở thần tiên kinh tế thịnh vượng! Bạn sẽ có việc làm và trở nên giàu có!” Ngồi trước chiếc tivi đèn hình mới, chúng tôi tự hỏi liệu điều ấy có đúng hay không. Những sự kiện gần đây dường như cho thấy điều ngược lại. Chúng tôi chẳng được gì mà còn mất tất cả.

Vào những ngày đó, việc chụp ảnh rất phổ biến. Gia đình, trai gái trẻ già, ai cũng muốn có một tấm. Nhưng chúng tôi không bao giờ mạo hiểm bước vào tiệm ảnh duy nhất trong làng, vì nó thuộc sở hữu của người Trung Quốc.

Tuy nhiên, người thợ ảnh lại không hề e ngại. Anh ta thừa trơ trẽn để xông vào nhà chúng tôi mà không cần xin phép. Đột nhiên, một người đàn ông Trung Quốc đứng trong phòng của chúng tôi, bấm máy mọi thứ, từ những đứa trẻ đầy vẻ kinh ngạc đến những chiếc rương và chậu bóng loáng. Một hai ngày sau, anh ta dúi những tấm ảnh vào tay mẹ tôi và đòi một khoản tiền lớn. Mẹ tôi lúng túng nhìn xuống sàn nhà. Còn cha tôi vì quá lịch sự nên khó thể từ chối.

Ngay từ ban đầu, những người nước ngoài đã đối xử với chúng tôi bằng sự kiêu ngạo và tự cao tột độ. Làn sóng tiếp theo xuất hiện là đám người nuôi ong Trung Quốc, dựng hàng rào ở bất cứ nơi nào họ muốn và chiếm phần đất còn lại. “Ai đã cho phép họ làm điều đó?” Ông tôi kêu lên đầy phẫn nộ. Thậm chí chúng tôi không biết phải hỏi cơ quan nào.



Ảo tưởng

Mặc dù ngay từ đầu rõ ràng là đã có những quy định khác nhau đối với người Trung Quốc và cư dân địa phương, bất chấp một số sự cố đau lòng, hầu hết thanh thiếu niên và trẻ em trong làng vẫn tự tin và lạc quan. Tâm hồn chúng tôi còn trẻ, và không dễ gì nhột chặt trong ổ khóa. Cha tôi tránh mọi bình luận về hành vi vô liêm sỉ của những người mới đến, thay vào đó tập trung cho tương lai. “Các con phải chăm chỉ học tập để một ngày nào đó có thể kiếm được việc làm tốt.”

Không cho chúng tôi hay biết, ông đã chuẩn bị cho chúng tôi đối mặt với những bất công thậm chí còn lớn hơn. Bản thân đã trải qua điều sỉ nhục này, ông cố hết sức rèn luyện chúng tôi bằng niềm tự tin, tự hào về văn hóa của chúng tôi và một nền giáo dục hàn lâm.

Cha tôi gần như đã nghỉ hưu, nhưng ông và mẹ tôi tập trung toàn lực cho trang trại nhỏ của chúng tôi và mở rộng thêm một phần ngôi nhà chúng tôi. Mọi thứ dường như có vẻ ổn thỏa. Khi tôi bước qua tuổi 12 và chuyển dần sang tuổi dậy thì, cơ thể tôi bắt đầu phát triển, vì vậy ông đã xây thêm hai rồi sau đó là ba phòng ngủ mới cho các chị gái và anh trai tôi đã trưởng thành. Vào mùa hè, một rạp chiếu phim ngoài trời được mở đối diện với một vũ trường. Chúng tôi có thể mua vé từ một người Dungan Hồi giáo gốc Trung Quốc với một khoản tiền nhỏ và xem các bộ phim nước ngoài như Spartacus hay Đào thoát khỏi nhà tù Alcatraz.

Chúng tôi đã sống ở làng mình như trong một quả bong bóng. Không nghe nói về những gì đang diễn ra ở thế giới chung quanh. Chúng tôi không hề biết rằng giới sinh viên đang biểu tình đòi quyền tự do hơn, phản đối chế độ thối nát và các gia tộc vơ vét làm giàu cho bản thân. Chúng tôi không hề biết rằng đêm hôm 03/6/1989, xe tăng lê bánh xích trên quảng trường Thiên An Môn, cán chết các sinh viên. Binh lính đã bắn và dùng lưỡi lê đâm chết những người biểu tình vô tội.

Mãi sau này, ở trường đại học, có lần tôi mới nghe thấy các bạn cùng học thì thầm với nhau. “Bạn có nghe nói về một người Duy Ngô Nhĩ tên là Urkesh không? Anh ấy đã đấu tranh cho quyền lợi của chúng ta tại quảng trường Thiên An Môn.” Đối với họ, Urkesh là một anh hùng, nhưng anh phải chạy trốn khỏi Trung Quốc và hiện đang sống ở Đài Loan. Thậm chí ngày nay, chúng ta còn không biết liệu số người chết lên đến hàng trăm hay hàng ngàn. Nhưng dù thế nào chăng nữa, chính phủ của Đặng Tiểu Bình đã chôn vùi phong trào dân chủ một cách hiệu quả.

Chúng tôi cũng biết rất ít về những cuộc nổi dậy vào những năm 1990 ở các khu vực khác của Đông Turkestan, nơi người Duy Ngô Nhĩ nổi dậy chống lại áp bức và phân biệt đối xử, ngoài việc họ bị dập tắt bằng bạo lực dã man. Trên các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát kể từ năm 1949, tất cả những gì bạn nghe được đều là giọng điệu ca ngợi về những thành tựu to lớn của chính phủ Trung Quốc. Không có gì về việc họ đã cấm người Duy Ngô Nhĩ tổ chức các cuộc tụ họp lớn, chẳng hạn các giải đấu bóng đá, hoặc xây dựng một đền thờ Hồi giáo mới ở thị trấn Baren, bởi vì họ cho rằng đó là “lật đổ”. Họ lập tức đưa ra các biện pháp quyết liệt để “vây bắt tội phạm nguy hiểm”. Mặt khác, sự sụp đổ của Liên Xô không còn có thể che giấu được bất cứ ai.

Khi Liên bang Xô viết tan rã vào ngày 21/12/1991 ở Almaty, được thay thế bằng Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), trong đó tất cả các nước cộng hòa Trung Á đều là thành viên có chủ quyền, chúng tôi đã tổ chức ăn mừng ở làng mình. Nhiều người đã tận dụng cơ hội qua biên giới để gặp họ hàng Kazakhstan của họ, hoặc khăn gói ra đi, hoặc đơn giản để trao đổi thông tin và ý tưởng. Trong khi đó, Bắc Kinh không ngừng nhấn mạnh rằng tuyên bố độc lập ấy là một quyết định sai lầm, và cố bằng mọi cách để dập tắt bất cứ hi vọng độc lập nào ở nước họ.

Các văn sĩ, trí thức và ca sĩ từ Kazakhstan đã đến tỉnh của chúng tôi, tổ chức những buổi hòa nhạc hoặc trưng bày tác phẩm của họ tại những sự kiện văn hóa khác. Mọi người xếp hàng bên ngoài các hiệu sách để mua tiểu thuyết. Đó là cách duy nhất chúng tôi có thể tiếp cận văn học Nga, bao gồm sách của Maxim Gorky hay Anton Chekov, cũng như những sách nước ngoài khác.

Giống như cha tôi, tôi khao khát kiến thức, đọc ngấu nghiến những cuốn tiểu thuyết kinh điển ấy và háo hức muốn biết thêm thông tin về các nước phương Tây. Có lẽ một ngày nào đó tôi có thể đến đó du lịch, nếu như tôi trở thành diễn viên, phóng viên truyền hình hay người dẫn chương trình nổi tiếng? Trong thời kì còn tương đối thoải mái về chính trị đó, đồng bào của tôi vẫn điều hành các đài phát thanh và truyền hình, mặc dù các phương tiện truyền thông đã và luôn là “miệng lưỡi” của Đảng.

Chính phủ đã cố tình che mắt chúng tôi, để chúng tôi duy trì ảo tưởng rằng mình được tự do. Suốt một thời gian dài, người Kazakhstan chúng tôi cảm thấy được độc lập trong khu vực Đông Turkestan như một nhóm riêng biệt. Chúng tôi vẫn còn không gian và không khí để thở. Chúng tôi đã không nhận ra rằng mình đang sống trong một nhà tù khổng lồ, những bức tường đóng kín quanh chúng tôi từ từ đã trở nên cao hơn và khó lòng mở rộng...

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Nhân chứng chính (002b)

 


Không được nói dối!

Bất cứ khi nào cưỡi ngựa về nhà sau chuyến đi thăm làng bên, ông tôi đều mang về những viên đường nhỏ bọc trong một miếng vải để ở túi xách. Ngay khi lũ trẻ chúng tôi thấy ông - một dấu chấm trên đồng cỏ rộng - chúng tôi lập tức chạy ra đón ông.

Ông tôi là người mộ đạo, đã dạy anh chị em chúng tôi luật lệ của đạo Hồi. Về bản chất, chúng không khác gì Mười điều răn trong Kinh Thánh. “Không trộm cắp, không giết người, phải đối xử với người khác như ta muốn người khác đối xử y hệt với ta.” Trong lúc chị cả tôi rót trà còn tôi đưa ông miếng bánh mì dẹt, một nụ cười sẽ tỏa sáng trên khuôn mặt đã rám vì nắng gió với hàng ngàn nếp nhăn li ti quanh khóe mắt ông như những tia nắng. “Các con, ông muốn các con luôn đối xử tử tế với mọi người! Một người Hồi giáo mộ đạo không bao giờ làm hại người khác.”

Người Kazakhstan không phân chia nam nữ trong các buồng khác nhau. Chúng tôi ăn uống và dự tiệc cùng nhau, giống như người phương Tây. Hình thức Hồi giáo của chúng tôi rất ôn hòa. Những phụ nữ lớn tuổi đội khăn trùm đầu màu trắng truyền thống qua nhiều thế kỉ, chúng được thêu tay với những họa tiết tỉ mỉ phức tạp. Bạn không bao giờ thấy tấm mạng dài màu đen che mặt và tất nhiên cũng không có tấm trùm burka như thường thấy ở các phụ nữ Hồi giáo Ả Rập và một số nơi khác ở Trung Đông. Năm 2020, dưới thời “vị giáo chủ nhiệt tâm” Tập Cận Bình, như Đảng thích gọi tổng bí thư của họ là vậy, thậm chí chiếc khăn thêu trùm đầu ấy cũng bị cấm.

Mặc dù ông tôi cầu nguyện 5 lần một ngày và đến đền thờ Hồi giáo, nhưng ông không bao giờ ép buộc các cháu mình làm thế. Tôi cũng chưa bao giờ thấy cha mẹ tôi cầu nguyện như vậy. Sau khi dùng bữa, tất cả chúng tôi cùng nắm tay cầu chúc an lành may mắn cho gia đình, cho những vị khách hay cho nhân loại nói chung. Đôi khi đơn thuần chúng tôi chỉ nói: “Tạ ơn Thượng đế.”

Ngay từ hồi còn rất nhỏ tôi đã mong muốn được sống như điều mà cha mẹ và ông tôi đã kì vọng vào tôi. Tôi đã cố đối xử với người khác thật cân nhắc và tôn trọng. Cha tôi thường xuyên hài lòng về tôi. Ông cười và tự hào nói: “Nó là con gái tôi, nó cũng giống như tôi!”

Tôi thuờng chạy khắp nơi trong trang phục của một cậu bé, mặc quần dài và đi ủng da. Bím tóc của tôi dài đến đầu gối. Váy dài chỉ làm cản trở việc chạy nhảy và cưỡi ngựa. Tôi luôn bận bịu giúp đỡ cha mình, nhặt gỗ hoặc chăn cừu. Khi lớn hơn một chút, thậm chí tôi còn được phép lái chiếc máy kéo mới mua gần đây của chúng tôi.

Cha mẹ thường khen tôi chăm chỉ như các chị tôi. “Nhìn Sayragul kìa, nó thật tự lập!” Mỗi lời khen ngợi đều khích lệ tôi trở nên gương mẫu hơn nữa. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng được như thế. Năm lên 7 tuổi tôi là lớp trưởng của lớp Hai, một ngày nọ giáo viên chủ nhiệm yêu cầu tôi trông lớp cả buổi vì ông bận tổ chức đám cưới cho con trai mình. “Hãy giữ cho các bạn trong lớp trật tự và không có bất kì trò nghịch ngợm nào.”

Nhưng việc ngồi yên là một hình phạt đối với các bạn nhỏ của tôi, và chẳng mấy chốc họ bắt đầu lên tiếng. “Chúng ta không thể ngồi đây cả ngày được,” một cậu bé nhỏ nhắn có những lọn tóc xoăn đen nhánh phản đối. “Vậy chúng ta nên làm gì?” Tôi hỏi. Mọi người quyết định làm một quả bóng bằng vải, nhét hạt bên trong và chơi trong lớp học. Đề xuất có vẻ hợp lí, dẫu sao tôi cũng không có nhiều lựa chọn, thế nên tôi đồng ý.

Trong vòng ít phút, quả bóng được ném từ tay này sang tay khác, cuối cùng rơi xuống trước mặt tôi trên bàn giáo viên. Chuẩn bị cho một cú ném mạnh, tôi cố nhắm đến một bạn gái ở cuối lớp và lấy hết sức để ném. Thật không may, tôi đã nhắm trượt và quả bóng đập vào cửa sổ phía sau bạn ấy làm kính vỡ tan tành thành nhiều mảnh vụn. Tôi đứng đó như mọc rễ tại chỗ. Lúc ấy đang là mùa đông, 15 độ âm, và cái lạnh lập tức ngấm vào tận xương chúng tôi.

Khi bọn trẻ thấy tôi từ từ quỵ xuống thành một đống nhỏ xíu khốn khổ trên sàn, chúng đã cố an ủi tôi. “Đó thật sự là lỗi của bọn tớ. Rốt cuộc thì đó là ý tưởng của bọn tớ.” Để bảo vệ tôi khỏi bị phạt, chúng quyết định đổ lỗi cho một nghi phạm thông thường: một cậu bé luôn gây rắc rối. Sau đó, chúng tôi dùng những mảnh quần áo của mình để bịt cái lỗ lại.

Thông thường, những đứa trẻ khác tìm đến mẹ khi chúng gặp vấn đề, bất bình hoặc bày tỏ điều chúng muốn. Tôi là đứa duy nhất trong nhà tìm đến cha tôi trước. “Hôm nay con đã làm một việc xấu,” tôi thú thật với cha, ôm khuôn mặt đẫm nước mắt trong hai bàn tay. Vuốt bộ râu xoăn của mình một cách trầm ngâm, ông tuyên bố chỉ có sự thật mới giúp tôi thoát được tình trạng khó khăn.

Tôi đã lăn qua lăn lại trằn trọc cả đêm. Sáng hôm sau, thầy giáo hỏi hết đứa này đến đứa khác: “Ai đã làm?” Tất cả đều lắc đầu. “Không phải em mà là bạn đó...” Họ chỉ vào tên hề của lớp, người đã thành khẩn nhận hết mọi lỗi lầm. Đến lượt tôi. “Đó là lỗi của em!” Tôi ứa nước mắt thốt lên.

Do thái độ ân hận của tôi quá rõ ràng, thầy giáo đã nguôi giận. “Thầy sẽ không phạt em, vì em rất trung thực. Tuy nhiên, các bạn còn lại đều nói dối, vì vậy các bạn đáng bị phạt.” Tất cả các học sinh khác phải mang một khoản tiền nhỏ vào ngày hôm sau để đóng góp thay kính cửa sổ.

Sau giờ học, bọn trẻ vây quanh tôi ở bên ngoài. Chúng tức giận vì những gì tôi đã làm và cảm thấy bị phản bội vì tôi đã không đứng về phe họ. “Sao bạn làm vậy? Bọn tớ đã cố giúp bạn. Đồ phản bội!” Nhưng tôi có thể làm gì khác chứ? Cha mẹ tôi đã khắc sâu vào đầu tôi rằng nói dối là một tội lỗi khủng khiếp. Và Thượng đế luôn dõi theo.

Tình huống rất khó xử đối với tôi. Tuy nhiên, ở nhà cha tôi hài lòng gật gù. “Con đã làm tốt. Rồi con sẽ thấy, rốt cuộc các bạn con cũng sẽ hiểu, đừng lo lắng nữa.” Dẫu thế, tôi đã phải khóc hàng năm trời cho đến khi tôi bình tâm lại.



Môi trường khắc nghiệt

Chúng tôi chỉ có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt này bởi lẽ cộng đồng gắn bó với nhau. Người trẻ và người già sống gần gũi, giúp đỡ và nương tựa vào nhau. Các bậc ông bà đã đúc kết kinh nghiệm hàng chục năm về khí hậu, chăn nuôi và trồng trọt. Không như hầu hết các gia đình Kazakhstan, dưới mái nhà của chúng tôi, con trai không được đối xử ưu đãi hơn con gái. Chúng tôi cảm thấy bình đẳng và được tôn trọng.

Tôi sống hòa thuận với các chị em mình. Đặc biệt, chị cả là tấm gương lớn để noi theo. Chị khôn ngoan thận trọng như cha tôi. Chị còn là một học sinh giỏi, rất thông minh, và không bao giờ phàn nàn, giống như mẹ tôi. Tôi và các anh chị em khác đều ghen tị với lối chị viết các chữ Ả Rập lên giấy bằng nét chữ tỉ mỉ của chị.

Tôi cũng muốn mình gọn gàng và xinh đẹp như chị, thế nên tôi đã dành thật nhiều thời gian có thể để quanh quẩn bên chị, giúp chị làm việc nhà. Có rất nhiều việc để làm. Nấu ăn, vá các chỗ rách trên quần áo của chúng tôi, dọn dẹp, chăm nom gia súc, giặt quần áo ngoài sông...

Chúng tôi thường được nghe đi nghe lại bài phát biểu cũ rích khi có khách đến chơi và ăn uống bên bếp nhà chúng tôi. “Cho bọn con trai đi học và để bọn con gái làm việc nhà. Sao lại cho chúng đi học làm gì? Chúng sẽ lấy chồng rồi sẽ chăm sóc việc nhà.” Vì phép lịch sự, cha mẹ tôi thường làm thinh.

Nhưng sau khi khách ra về, họ vội vàng trấn an sáu chị em chúng tôi. “Người ta có thể nói bất cứ điều gì họ muốn, nhưng chúng ta nhìn nhận mọi thứ theo cách của chúng ta.” Cha tôi nghiêm túc nhìn vào những khuôn mặt tròn và đôi mắt hẹp của chúng tôi. “Các con cũng cần được dạy dỗ tốt như các anh em trai.”

Và quả thật, sau này tất cả các anh chị em chúng tôi đều tốt nghiệp đại học.



Lễ hội

Từ hồi còn là một đứa trẻ, tôi đã thích nhảy múa, viết lách và ca hát. Đặc biệt tôi từng mong đợi khi những cánh đồng cỏ chuyển sang màu tím và hồng, những bông nghệ tây nở rộ, và chúng tôi tổ chức lễ đón năm mới và mùa xuân (lễ hội được gọi là Nauryz) từ ngày 21 đến 22/3. Tất cả dân làng bắt đầu chuẩn bị được thêm một tuổi.

Trong rừng và trên đồng cỏ lũ trẻ sẽ săn lùng những chiếc lông chim lộng lẫy, bắt mắt và những chiếc răng thú để trang trí cho mũ của chúng tôi. Nếu không thể tìm thấy thứ gì, ai đó sẽ cho bạn hoặc bạn có thể mua chúng từ một người bán.

Phụ nữ trang trí nhà cửa bằng hoa và vòng hoa. Họ lau chùi mọi thứ cho đến khi chúng lấp lánh, chuẩn bị một món súp đặc biệt với bảy phụ liệu khác nhau, gửi lời chúc mừng đến những vị khách của họ nhân dịp xuân về. Ngày hôm sau, tất cả chúng tôi sẽ cùng ăn mừng, bất kể già trẻ, giàu nghèo, ngoài đồng cỏ lớn ở bìa làng. Có âm nhạc, khiêu vũ và lửa trại.

Đàn ông và phụ nữ thể hiện kĩ năng của họ bằng cung tên và trên lưng ngựa. Ba anh em trai của tôi, cùng với những cậu bé khác, đã cho thấy họ giỏi môn đấu vật như thế nào. Và các thiếu nữ chúng tôi đã tập luyện các điệu nhảy ở trường, lập nhóm và hát hò. Những bím tóc đen dài đến đầu gối của chúng tôi được búi lên đỉnh đầu và cài bằng kẹp.

Tất cả dân làng đều mặc trang phục truyền thống đẹp và đầy màu sắc. Tôi xoay xoay người trong bộ áo váy truyền thống thêu hoa đắt tiền mà mẹ tôi đã may cho tôi, cho đến khi tôi chóng mặt vì cười vui, những chiếc lông chim đại bàng nhấp nhô trên đầu. Cùng với Lễ tế thần và Lễ hội kết thúc mùa chay vào cuối tháng Ramadan, ba sự kiện lớn này đại diện cho đỉnh cao của lịch Hồi giáo.

Từ năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã cấm tất cả các lễ hội truyền thống và tôn giáo của chúng tôi. Thay vào đó, họ buộc chúng tôi phải tổ chức các lễ hội của Trung Quốc, kể cả Tết năm mới của họ. Chúng tôi phải trang trí nhà cửa theo phong cách Trung Quốc, mặc dù hình ảnh của họ trông thật khó chịu và đáng sợ đối với chúng tôi, kết hợp trong những bộ mặt ma quỷ, xấu xí, nhăn nhó. Bất cứ ai từ chối đều bị coi là kẻ cực đoan và bị bắt nhốt.



Cách mạng văn hóa: phủ bóng tối lên tâm hồn

Cuối ngày làm việc, những người lớn tuổi thích tụ tập quanh ông tôi trên tấm thảm len được trang trí sặc sỡ ở nhà chúng tôi trong khi các anh chị em chúng tôi ngồi khoanh chân gần cửa và lắng nghe. Nếu họ nói chuyện về cuộc nổi dậy chống lại người Trung Quốc, họ bảo chúng tôi ra chỗ khác chơi vì những câu chuyện đó không dành cho trẻ em.

Cũng như những “ông râu trắng” khác, ông tôi từng là một chiến sĩ trong cuộc kháng chiến. Vào những năm 1930-1940, những người dân quê chúng tôi trong một thời gian ngắn đã đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc. Ông tôi đã ở đó khi chính phủ độc lập được thành lập ở Đông Turkestan, nơi mà người Kazakhstan đã sống trong nhiều thế kỉ ở vùng đông bắc. Ngày nay, chúng tôi thậm chí không được phép đề cập đến tên của những người nổi dậy trước đây, chứ đừng nói đến việc thảo luận về cuộc nổi dậy.

Dân bản địa ở Đông Turkestan đã luôn nổi dậy dưới ách thống trị của người Trung Quốc, cố thoát khỏi nó bằng vũ lực. Các lực lượng chiếm đóng Trung Quốc đã dập tắt các cuộc phản kháng này bằng vũ lực thô bạo, hành quyết tù nhân, khoét mắt hoặc lột tóc họ, những hành động mà ông bà và cha mẹ tôi đã tận mắt chứng kiến. Để xoa dịu tình hình, trong bối cảnh Trung Quốc lúc đó suy yếu vì đói khổ, Mao không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trao quyền tự trị cho người Hồi giáo vào năm 1955.

Trong nhiều thế kỉ, cánh đàn ông trong gia đình tôi thuộc về cấp trên trong thị tộc chúng tôi. May thay, chúng tôi chưa bao giờ giàu có, thế nên ông bà tôi đã xoay xở để sống sót qua cuộc Cách mạng Văn hóa đã bắt đầu ở đây từ rất lâu trước năm 1966 - kể cả khi nó được mô tả khác trong sử sách - và kéo dài cho đến năm 1976. Hồng vệ binh buộc người dân địa phương phải giao nộp cừu, bò và ngựa của họ cho chính phủ, đổi lại hứa hẹn sẽ thành lập một trang trại lớn cho mọi người. Sau khi gia súc bị tịch thu, đơn giản là ĐCSTQ thôn tính luôn toàn bộ tài sản còn lại của họ, và không bao giờ thực hiện lời hứa của mình. Đến thời điểm này, những người thân của tôi chẳng còn gì để mất ngoài mạng sống của họ, theo đúng nghĩa chân thực nhất của từ này.

Đến năm 1962, nạn đói diện rộng lớn nhất lịch sử Trung Quốc đã cướp đi sinh mạng của khoảng 40 triệu người. Nhưng Mao đổ lỗi cho Liên Xô, vốn được cho là đã đẩy cả nước này đến bờ vực bằng cách buộc Trung Quốc phải trả nợ quá gấp rút. Mưu đồ thành công và mọi người hướng sự tức giận của họ vào chỗ khác.

“Mỗi hộ gia đình phải treo một bức chân dung lớn của Mao,” ông tôi nhớ lại, nét mặt sa sầm. “Ba lần một ngày phải đứng trước ảnh Mao và cầu nguyện như một vị thánh.” Ngay cả đến giờ ăn, các gia đình cũng phải hướng về tấm ảnh đầy yêu thương. Những lời của Hồng vệ binh được rao giảng không ngừng, hiện lên trong đầu cha tôi: “Chúng ta sẽ tiêu diệt hệ thống tư bản.” Đó là lúc mà công cuộc cào bằng vĩ đại bắt đầu. Sẽ không còn sự khác biệt nào giữa mọi người: không ai có thể sở hữu nhiều hơn bất cứ ai. Tất nhiên, đối với giai cấp đặc quyền như Mao, các quy tắc khác được áp dụng.

“Phải,” ông tôi đồng ý đầy chỉ trích, lắc lư qua lại nửa người trên của mình. “Sau đó họ bắt đầu chơi trò đấu tố: tất cả chúng ta phải tố cáo bạn bè hay hàng xóm là thành phần tư sản càng nhiều càng tốt.”

“Đó là một thời kì tồi tệ,” cha tôi nói thêm. “Rất nhiều người đã tham gia, bởi vì nó có lợi cho họ.” Có thể nhận ra họ qua chiếc băng đeo tay màu đỏ và giọng điệu của họ về gián điệp của kẻ thù “được phương Tây mua chuộc”. Và bằng những cuộc diễu hành chiến thắng mà họ kéo lê xác chết của những nạn nhân trên đường phố.

Sự thống trị của khủng bố phủ bóng đen lên tâm hồn của tất cả những người sống sót, khiến họ thường xuyên sợ hãi. Gia đình tôi hiếm khi nói về quá khứ của chính mình vì e ngại đánh thức những bóng ma cũ, mặc dù chúng tôi gặp may mắn là khoảng thời gian ngay sau khi tôi sinh ra là thời kì tự do nhất trong lịch sử của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nếu chúng tôi lên tiếng, Đảng sẽ trừng phạt cả gia đình vì những tư tưởng thù địch, họ suy nghĩ lo lắng. Sự ngờ vực đã bén rễ sâu vào bên trong họ.

Bất chấp sự thận trọng của họ, từ hồi còn nhỏ chúng tôi đã hiểu rằng người Trung Quốc là những người nguy hiểm. Và chính người Trung Quốc sẽ sớm nhắc nhở chúng ta về điều đó mỗi ngày. Ngôi làng của chúng tôi không chỉ là quê hương của người Kazakhstan mà còn có một số người Duy Ngô Nhĩ, Kyrgyzstan và cả người Dungan Trung Quốc theo đạo Hồi, những người nói một dạng tiếng Quan thoại. Tuy nhiên, mọi người trong làng đều thông thạo tiếng Kazakhstan, và không có định kiến: chúng tôi là một cộng đồng. Thậm chí tôi còn chưa từng gặp trực tiếp một người Trung Quốc bao giờ.

“Mảnh đất này là nơi chúng ta bén rễ.” Đó là những gì chúng tôi đã học được. Bạn phải nhớ nằm lòng bảy thế hệ trong gia đình mình, kể cả tên và nơi sinh; bằng không thì bạn là trẻ mồ côi hoặc không phải là người Kazakhstan thật sự. Các anh chị em chúng tôi tự hào rằng chúng tôi có thể đọc đúng tên của ông nội, ông cố của chúng tôi và bốn thế hệ liên tiếp trước đó.